Chủ Nhật | 01/11/2015 08:55

Chợ đen ở Triều Tiên

Tại trung tâm thương mại Pothonggang, gần như mọi món đồ đều được niêm yết giá bằng cả USD lẫn won, với tỷ giá cao gấp 80 lần chính thức.

Khi cố lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Il mở Trung tâm Thương mại Pothonggang vào tháng 12/2010, ông đã tuyên bố tòa nhà này "có vai trò lớn" trong việc cải thiện chất lượng sống tại thủ đô Bình Nhưỡng. Và 5 năm sau, nếu nhìn vào hàng dài người bên trong tòa nhà 3 tầng bán đủ thứ từ đồ điện tử đến mỹ phẩm này, Pothonggang rõ ràng đã hoàn thành kỳ vọng của vị cố lãnh đạo, ít nhất là với giới thượng lưu.

Dù vậy, trung tâm thương mại này cũng là minh chứng cho sự phát triển và phổ biến của thị trường chợ đen tại Triều Tiên. Tình trạng này đang đẩy chính quyền của ông Kim Jong Un vào thế tiến thoái lưỡng nan, do hiện tại, họ vẫn kiểm soát chặt nền kinh tế tập trung này. Giới chuyên gia cho rằng khi chợ đen trở thành chuyện bình thường, ông Kim Jong Un có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục quá trình cải tổ kinh tế mới đang trong giai đoạn đầu.

 Tại Pothonggang, gần như mọi món đồ đều được niêm yết giá bằng cả USD lẫn won. Một chiếc TV Sharp có giá 11,26 triệu won (1.340 USD), bơm nước có giá 300 USD, thịt bò là 8,6 USD một kg, còn đèn LED sản xuất trong nước có giá 5 USD.

Tỷ giá được sử dụng tại đây là 8.400 won mỗi USD - cao gấp 80 lần tỷ giá chính thức. Nếu tính đúng, mỗi chiếc TV ở đây sẽ được niêm yết trên 100.000 USD, còn bóng đèn lên tới 400 USD.

Khách hàng trả bằng USD, rồi nhận tiền thừa bằng USD, NDT hoặc won Triều Tiên. Dĩ nhiên là vẫn theo tỷ giá chợ đen. Việc này cũng đúng tại nhiều nơi trong thành phố. Lái xe taxi hay các quầy hàng ven đường cũng sử dụng tỷ giá này.

 Trong 20 năm qua, kinh tế Triều Tiên đã có nhiều thay đổi. Kết quả này có thể thấy rất rõ tại chính Bình Nhưỡng - nơi các công ty sản xuất đủ loại mặt hàng để phục vụ nhu cầu đang lên của người dân. Thay vì cất tiền trong nhà như trước đây, giờ người dân hào phóng chi tiền cho điện thoại di động, xe đạp điện và cả xe đẩy cho trẻ con.

Từng được coi là món đồ chỉ dành cho giới nhà giàu, điện thoại di động giờ đã trở nên rất phổ biến trong thành phố. Số thuê bao trên cả nước cũng lên 3 triệu, một nhân viên nhà mạng Koryolink cho biết trên Reuters. Người dân nước này cũng bắt đầu sử dụng thẻ ngân hàng nhiều hơn.

Tuy nhiên, những điều này không có ảnh hưởng lớn lên cuộc sống của người Triều Tiên tại nông thôn. Sai lầm trong chính sách nông nghiệp, lũ lụt và sự sụp đổ của Liên Xô đã đẩy Triều Tiên vào nạn đói giữa thập niên 90. Hàng triệu người dân nước này đã phải lao vào sản xuất mọi thứ, bán hoặc trao đổi không chính thức để có thể tồn tại.

Nhu cầu ngoại tệ mạnh đã bùng nổ sau cải cách tiền tệ thất bại. Ngày càng nhiều doanh nhân trên thị trường chợ đen muốn giao dịch bằng ngoại tệ. Việc này đã khiến Triều Tiên rơi vào lạm phát phi mã 2 năm.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Kim Jong Un, nước này đã dần chấp nhận sự phổ biến của tỷ giá chợ đen. "Dưới thời Kim Jong Un, chưa một chính sách nào đe dọa lợi ích và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân được thực hiện. Ở Triều Tiên, giờ đang là thời điểm thuận lợi để làm giàu đấy", Andrei Lankov - chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc) cho biết.

Nguồn Vnexpress