Chính trường Thái Lan có nguy cơ xảy ra xung đột lớn
Phản ứng rõ nét đầu tiên phía Chính phủ tạm quyền là lập tức bổ nhiệm ông Niwatthamrong Boonsongpaisan lên nắm giữ vị trí Quyền Thủ tướng thay thế bà Yingluck Sinawatra, đồng nghĩa với việc Chính phủ chấp nhận quyết định của Tòa án.
Trong khi đó một số lãnh đạo cao cấp của đảng cầm quyền Vì nước Thái tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa án vì cho rằng quy trình xét xử của tòa còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ) ủng hộ Chính phủ tuyên bố bất tuân lệnh của Tòa án và cho biết sẽ có các hoạt động chống đối mạnh mẽ trong thời gian tới.
Các đảng phải chính trị khác nói chung tỏ thái độ chấp nhận phán quyết, còn lực lượng chống Chính phủ chưa có phản ứng rõ rệt nhưng cho rằng, đây là bước thắng lợi đầu tiên của họ trong mục tiêu lật đổ chế độ Thaksin.
Bà Yingluck Shinawatra và 9 thành viên trong nội các bị bãi nhiệm, hơn 25 thành viên khác tiếp tục tại vị, như vậy, Thái Lan tiếp tục có một Chính phủ tạm quyền và nếu không có gì thay đổi, nước này sẽ tiến hành Tổng Tuyển cử vào ngày 20/7 tới.
Tuy nhiên, việc bà Yingluck bị bãi nhiệm sẽ là điểm khởi đầu để những người Áo Đỏ có những phản ứng dữ dội, không loại trừ khả năng có xung đột lớn với lực lượng chống Chính phủ. Nếu xảy ra bạo loạn hoặc xung đột đẫm máu, quân đội sẽ vào cuộc như chính họ tuyên bố.
Mặc dù bà Yingluck bị bãi nhiệm nhưng cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban vẫn cho là không đủ và họ tuyên bố tiếp tục biểu tình để đạt đến cùng mục tiêu là lật đổ một chế độ có những đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin nắm giữ.
Như vậy, sau phán quyết này, tình hình Thái Lan chưa thể bình yên và phụ thuộc nhiều vào phản ứng của hai nhóm biểu tình chống đối và ủng hộ Chính phủ./.
Nguồn VOV