Chủ Nhật | 03/02/2013 20:21

Chính sách một con của Trung Quốc và những hệ lụy

Sau 30 năm áp dụng chính sách 1 con, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, cùng những hệ lụy xã hội không đáng có.
Từ trước đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ cân nhắc tới việc loại bỏ chính sách dân số đầy tranh cãi, trong đó quy định mỗi gia đình chỉ được phép có 1 con nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt tiền gấp 3 lần thu nhập bình thường. Tuy nhiên, sau 30 năm áp dụng chính sách hạn chế quy mô các hộ gia đình, Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Năm 2011, các con số thống kê nhân khẩu học cho thấy, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm. Đây là một dấu hiệu vô cùng đáng ngại, đe dọa đến nền kinh tế vốn dựa trên lực lượng lao động dư thừa để đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ như Trung Quốc.

Các cuộc tranh luận về tương lai của chính sách 1 con ngày càng công khai tại Trung Quốc, trong đó nhiều chuyên gia dự đoán rằng chắc chắn nó sẽ sớm kết thúc.

Chính sách một con của Trung Quốc và những hệ lụy

Theo điều tra dân số 2010, số lượng người trên độ tuổi 60 ở Trung Quốc đã tăng lên 13,3% so với thập kỷ trước. Trong khi đó số trẻ em dưới 14 tuổi lại giảm còn chưa đến 1/6 dân số, so với tỷ lệ gần 25% cách đây 10 năm.

Mặc dù tình trạng già hóa dân số có xu hướng tăng, song hầu hết người Trung Quốc lại tỏ ra ủng hộ chính sách 1 con, cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy. Theo kết quả thống kê từ trung tâm nghiên cứu Pew, cứ 4 người Trung Quốc được hỏi thì có hơn 3 người nói họ ủng hộ chính sách này.

Quả thực, chính sách 1 con đã thâm nhập triệt để vào nhận thức của hàng triệu hộ gia đình ở Trung Quốc. Thậm chí ngay cả khi được phép sinh con thứ 2, họ cũng tự nguyện chỉ sinh 1 con duy nhất - điều này đặc biệt phổ biến ở các cặp vợ chồng đô thị, những người vốn dĩ cũng là con 1.

Các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng ngay cả khi luật 1 con bị bãi bỏ, quy mô các hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hẹp lại do nhiều người ở đại lục đã từ bỏ thói quen chung sống trong các đại gia đình lớn, có nhiều con cháu.

Theo điều tra dân số, năm 2011 tỷ lệ sinh đẻ của nữ giới Trung Quốc độ tuổi từ 20 đến 29 chỉ là 1,04. Trong khi đó, cuộc khảo sát năm 2010 cho thấy tỷ lệ sinh đẻ ở các độ thị Trung Quốc chỉ có 0,88.

Chính sách một con của Trung Quốc và những hệ lụy

Nhiều cặp gia đình Trung Quốc vẫn mơ ước có một gia đình lý tưởng "đủ nếp tẻ", 1 trai 1 gái, song họ cảm thấy lo sợ do chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ trong 1 xã hội cạnh tranh cao như Trung Quốc là rất lớn. Ở Trung Quốc, việc nuôi dưỡng con cái và giúp chúng vượt qua kỳ thi đại học là cả một kỳ công và choán hết thời gian của các bậc làm cha mẹ.

Dù chính sách 1 con biến mất chỉ là vấn đề thời gian, song không ai biết chắc khi nào thay đổi thật sự mới đến, chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Bắc Carolina, ông Cai Yong, nhận định.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét thay đổi chính sách 1 con, mặc dù trước đó các nhà hoạch định chính sách có bổ sung những trường hợp ngoại lệ, được các nhà nhân khẩu học gọi vui là chính sách "1,5" con - trong đó 1 số đối tượng đặc biệt sẽ được phép sinh thêm con thứ 2 như con đầu bị tàn tật hoặc dân tộc thiểu số.

Năm ngoái, Tổ chức nghiên cứu phát triển Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nên cho phép các hộ gia đình có thêm con thứ 2 vào năm 2015.

"Trung Quốc đã phải trả một chí phí xã hội và chính trị rất lớn vì chính sách 1 con, bởi nó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng chẳng hạn như mâu thuẫn xã hội, chi phí hành chính cao và mất cân bằng giới tính về dài hạn", tờ Tân Hoa Xã nhận định.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện