Chính sách giảm thuế tại Mỹ ảnh hưởng thế nào đến đầu tư quốc tế?
→Vì sao chính phủ Mỹ phải đóng cửa?
→Chính quyền Trump đang tiến hành chiến tranh tiền tệ?
Tháng 12/2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua chính sách cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua tại nước này với trị giá 1.500 tỷ USD.
Theo kế hoạch cải cách thuế mới, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ mức 35% xuống 20% và lợi nhuận của các công ty và doanh nghiệp Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cảnh báo dự luật cải cách thuế của Mỹ có thể gây tác động trầm trọng đối với thị trường đầu tư nước ngoài toàn cầu khi các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ có thể "hồi hương" gần 2.000 tỷ USD tiền lợi nhuận. Các trung tâm tài chính như Hà Lan, Anh, Luxembourg và Bermuda sẽ chứng kiến tình trạng rút vốn lớn nhất bởi hầu hết nguồn vốn đầu tư của Mỹ tại đây là bằng tiền mặt.
Các nền kinh tế đang phát triển, chiếm 25% lượng FDI của Mỹ sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn do phần lớn lượng vốn đã rót vào các tài sản sinh lời và không thể hồi hương trong thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại về hiệu ứng domino khi chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khơi mào cho chủ trương cải cách thuế và giảm thuế ở những nền kinh tế khác, đặc biệt là tại châu Âu.
Ông Bruno Colmant, chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Degroof Petercam nêu quan điểm: "Chúng ta đã chứng kiến nước Anh giảm thuế, rồi đến Hà Lan và sắp tới sẽ là Bỉ. Về cơ bản, thông điệp được nước Mỹ đưa ra là cuộc chiến giảm thuế đã bắt đầu. Nó sẽ làm dấy lên những tranh cãi tại châu Âu về việc có nên giảm thuế doanh nghiệp hay không".
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận định kế hoạch cải cách thuế của Mỹ sẽ hỗ trợ nền kinh tế nước này trong ngắn hạn nhưng có thể làm tổn hại nền tảng thuế tại các nước châu Âu. Tuy vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, tác động tiêu cực sẽ không kéo dài, bởi nền kinh tế khu vực này đang tăng trưởng ổn định.
Ông James Watson – Giám đốc kinh tế Business Europe cho rằng: "Điều quan trọng là các quốc gia thành viên EU cần phải nhìn một cách tổng thể, xem xét khả năng cạnh tranh của mình trong một môi trường toàn cầu đang dần thay đổi. Có nước cân nhắc giảm thuế suất doanh nghiệp trong khi một số nước khác tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường lao động, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư".
Tại Trung Quốc, tác động từ chính sách cải cách thuế của Mỹ cũng được đánh giá là không lớn. Bởi lẽ, dù phải chịu mức thuế là 25%, các tập đoàn nước ngoài vẫn bị hấp dẫn bởi quy mô thị trường khổng lồ, lực lượng lao động tay nghề tốt và nhiều ưu đãi khác. Bên cạnh đó, Bắc Kinh hiện cũng đang đẩy mạnh cải thiện cấu trúc hệ thống thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao sức thu hút và duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài.