Ảnh: The Hill.
Chính sách gây áp lực thương mại của Trump đang phát huy hiệu quả?
Mục tiêu giảm thâm hụt thương mại luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump. Là người ủng hộ cơ chế thương mại "công bằng" và "có qua có lại", Tổng thống Trump đã kêu gọi giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại như Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản, Đức.
Chiến thuật của ông Trump dường như là đàm phán lại với các nước có thâm hụt lớn trước. Cụ thể, trọng tâm mà chính quyền Trump muốn nhắm tới là mức thâm hụt 375 tỉ USD của Trung Quốc. Và sau những tranh chấp thương mại kéo dài với Trung Quốc kể từ giữa năm ngoái. Theo như báo cáo của Bloomberg, Trung Quốc đồng ý mua thêm 1,2 nghìn tỉ USD, dường như hai nước sẽ đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 27.3.
Trước đó, ông Trump đã yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), dẫn đến sự ra đời của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Khi ấy, ông Trump cho biết rằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mới sẽ giúp nông dân Mỹ có thể tăng xuất khẩu lúa mì, gia cầm, trứng, sữa, biến khu vực Bắc Mỹ thành nhà máy sản xuất khổng lồ, đảm bảo mức lương cao hơn cho công nhân ngành ô tô. Tổng thống Trump nhận định thêm rằng đây một hiệp định cân bằng nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, quá trình giảm thâm hụt của nước Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra, và ông Trump cũng đang hướng đến một số nước khác.
Vào tháng 8 năm ngoái, ông Trump cho biết Mỹ có thể sẽ áp thuế 25% vào ô tô nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, cho đến nay, thuế quan vẫn chưa được áp đặt và các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ họp vào thứ 4 và thứ 5 tuần này để thảo luận về các cách để ngăn chặn chúng.
Với Nhật Bản, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở thủ đô Argentina vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm ngoái., ông Trump đã gọi mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản là "lớn" và "khá đáng kể", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng cân bằng (mức thâm hụt) này".
Trong khi, các quan chức Nhật Bản chỉ muốn hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương về hàng hóa, thì các quan chức Mỹ tập trung thúc đẩy cả vấn đề dịch vụ và thậm chí là một điều khoản để ngăn chặn phá giá tiền tệ trong thỏa thuận này.
Mới nhất, trong một tuyên bố ngày 4.3, Nhà Trắng cho biết Ấn Độ sẽ mất đi sự đối xử thương mại ưu đãi của Mỹ.
"Tôi thực hiện động thái này vì tôi xác định Ấn Độ không đảm bảo được với Mỹ rằng nước này sẽ cho phép Mỹ tiếp cận hợp lý và công bằng vào thị trường của họ", Reuters dẫn bức thư của ông Donald Trump gửi các lãnh đạo Quốc hội. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là hơn 27 tỉ USD trong năm 2017.
Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Một nước cũng có thâm hụt lớn ở châu Á với Mỹ chính là Việt Nam của chúng ta, hiện tại Mỹ một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam còn lớn hơn cả thâm hụt của Mỹ với Ấn Đô.
Chính vì vậy, trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, khi các hãng hàng không của Việt Nam kí những thỏa thuận mua máy bay và các loại máy móc khác từ Mỹ. Trang Nikkei Asian Review nhận định Việt Nam thực hiện các giao dịch mua hàng hóa lớn từ Mỹ với sự hiện diện của ông Trump sẽ giúp vị Tổng thống này bớt chú ý đến thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ ký một số thỏa thuận thương mại rất lớn, mua nhiều sản phẩm khác nhau từ Mỹ, điều mà chúng tôi đánh giá cao", ông Trump nói khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Ông nói thêm: "Chúng tôi đang giảm thâm hụt rất đáng kể, cũng như nhiều quốc gia, nhưng tôi rất đánh giá cao sự hiếu khách [của Việt Nam]. Thật là đặc biệt".
Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ dường như có nhiều lợi thế trong việc đàm phán lại các hiệp định thương mại với các đối tác của mình. Và khi Mỹ-Trung đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại thì những chướng ngại lớn nhất trong kế hoạch của chính quyền Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại dường như đang đi tới đích, dù sẽ cần nhiều năm để đánh giá xem những thỏa thuận này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hay không.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới. Minh chứng là sự lạnh nhạt của các nhà lãnh đạo châu Âu với ông Trump, như khi ông tham dự một buổi lễ do Pháp tổ chức để kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất hồi năm ngoái.