Thứ Tư | 05/11/2014 16:23

Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ cứng rắn hơn sau bầu cử?

Đó là nhận định của giới chuyên gia khi cho rằng đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội Mỹ sẽ theo đuổi các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.


Đó là nhận định của giới chuyên gia khi cho rằng đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội Mỹ sẽ theo đuổi các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra ngày 4/11, đảng Cộng hòa chính thức giành kiểm soát toàn bộ Quốc hội lần đầu tiên trong 8 năm. Cụ thể, đảng Cộng hòa hiện nắm 53/100 ghế Thượng viện và 250 ghế đa số tại Hạ viện.

Giới quan sát cho rằng, việc đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện một mặt sẽ “dọn đường” cho các vấn đề còn bế tắc như tự do thương mại, thuế doanh nghiệp, mặt khác là những thay đổi về chính sách đối ngoại, quốc phòng.

Chris Arterton, giáo sư chuyên ngành quản lý chính trị thuộc Đại học George Washington cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ cứng rắn hơn bởi về cơ bản Thượng nghị sỹ John McCain sẽ là tiếng nói đại diện của phe Cộng hòa với chính sách đối ngoại dựa trên nền tảng quân sự.

Khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama  buộc sẽ nghiêng theo chính sách cứng rắn hơn với Nga, trong đó có vấn đề liên quan đến khủng hoảng Ukraine, sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt nặng nề hơn.

“Mỹ có thể đưa thêm nhiều lệnh trừng phạt chống lại Nga khi Quốc hội (dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa) cho rằng những trừng phạt hiện tại chưa đủ mạnh hoặc chưa có hiệu quả”, ông Arterton nói.

Với nhiều chuyên gia phân tích, một điều khó có thể quên được đó là nghị sỹ Cộng hòa Mỹ từng tuyên bố Nga là kẻ thù địa chính trị của Mỹ.

Trong khi đó, theo Michael Bernstam, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Stanford cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới “thời Cộng hòa” sẽ xích lại gần hơn các nước Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Chính sách quân sự, quốc phòng được cho là sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi ông McCain được kỳ vọng sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện khi Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại vào tháng 1 năm sau.

Ông này được cho là sẽ cứng rắn hơn đối với các chương trình mua vũ khí lãng phí của quân đội Mỹ. Trước đó ông từng tham gia điều tra những lãng phí trong ngành quốc phòng Mỹ và mở đường cho đạo luật nhằm ngăn chặn các chương trình thu mua vũ khí quá lớn.

Nghị sỹ McCain luôn chỉ trích các chính sách của chính quyền Obama từ chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo IS đến việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria.

Nếu được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện, ông McCain có trách nhiệm giám sát các đạo luật liên quan đến chi tiêu của Lầu Năm Góc. Ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo dự luật về thẩm quyền quốc phòng hàng năm, đưa ra các chính sách từ chi tiêu quốc phòng, thu mua vũ khí đến đóng căn cứ quân sự, …

Do đó, tuy không trực tiếp kiểm soát mức chi tiêu của Lầu Năm Góc nhưng ủy ban của ông có thể kiểm soát thông qua chính sách.

Theo DVO/RIA Novosti, Reuters