Chính sách dân số một con và bài toán nhân lực của Trung Quốc
Dọc theo con đường rải đá của huyện Rudong thuộc thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, chẳng có gì khác ngoài một hàng dài những ngôi nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian. Tại đây, người ta gần như không hề thấy bóng một thanh niên nào.
"Tôi có thể làm được gì khi cơ thể tôi đã ngừng làm việc?", bà cụ 81 tuổi Liu Fang chia sẻ. Hiện tại bà Liu đang phải sống đơn độc với khoản lương hưu 2.000 NDT (tương đương 306 USD/tháng). Trong khi đó, hàng xóm của bà là Li Mei năm nay cũng đã bước sang tuổi 89, và phải sống phụ thuộc vào người con trai năm nay đã 70 tuổi.
Được biết, Rudong từng là một trong những hình mẫu thi đua cho chính sách một con tại Trung Quốc, vốn được ban hành từ năm 1979 để hạn chế bùng nổ dân số. Trong nhiều năm liền, các gia đình Trung Quốc chỉ được phép có duy nhất một con, và có không ít trường hợp các quan chức địa phương đã dùng áp lực để buộc người dân phải phá thai nhằm bảo đảm tiêu chuẩn thi đua. Năm 1986, Rudong đã được chính phủ tuyên dương về việc thi hành hiệu quả chính sách một con.
Tuy nhiên sau 3 thập kỷ, Rudong giờ đây đang phải đối mặt với một vấn đề mới là tình trạng già hóa dân số. Theo con số ước tính hiện tại có khoảng 30% dân số tại đây đã trên 60 tuổi, cao gấp đôi so với mức trung bình trên toàn Trung Quốc.
Những vấn đề này cũng đã được một số ít nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra từ sớm. Ông Wu Cangping, cựu giáo sư của Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, từng cảnh báo rằng nước này sẽ trở nên "già trước khi giàu".
Không thể phủ nhận rằng, chính sách một con này đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế gia tăng dân số và khan hiếm lương thực tại Trung Quốc. Vấn đề là chính phủ Trung Quốc đã quá chậm trong việc hạn chế những tiêu cực từ chính sách này.
Tính riêng trong năm 2015, lực lượng lao động của Trung Quốc đã giảm đến 4,87 triệu người. Đặc biệt, số lượng người già trên 60 tuổi tại đây vẫn không ngừng gia tăng, và dự kiến đến năm 2035 sẽ tăng gần gấp đôi lên 400 triệu người. Theo viện nghiên cứu NLI của Nhật Bản, trong năm 2014 Trung Quốc đã phải chi tới 2,6 nghìn tỷ NDT (400 tỷ USD) cho hoạt động an sinh xã hội của nước này. Con số này đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 5 năm qua và chiếm tới gần 20% chi tiêu ngân sách.
Số lượng người già trên 65 tuổi tại Trung Quốc - Ảnh: Nikkei |
Với tình trạng dân số già ngày càng gia tăng bên cạnh chi phí an sinh xã hội, chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề tài chính trong tương lai.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bắt đầu cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai vào năm ngoái. Tuy nhiên, nước này cũng phải mất đến khoảng 2 thập kỷ nữa để những em bé này lớn lên và tham gia vào lực lượng lao động.
Thêm vào đó, quan điểm của nhiều người dân thành thị về gia đình đã hoàn toàn thay đổi so với trước. Những vấn đề về tài chính và quan điểm sống đang khiến nhiều cặp đôi ở Trung Quốc không còn thiết tha việc có đứa con thứ hai. "Tôi không thể từ bỏ 20 năm sự nghiệp của tôi được", một người phụ nữ đã bước sang tuổi tứ tuần cho biết.
Theo số liệu thống kê, trong số 90 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc có thể sinh con thứ hai, thì có đến phân nửa là đang ở độ tuổi trên 40. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng lực lượng lao động tại Trung Quốc sẽ giảm 10%, tương đương với 90 triệu người, trong vòng 25 năm tới. Ngoài ra, tổng dân số của nước này dự kiến sẽ bắt đầu giảm xuống vào năm 2030. Như vậy việc thiếu nhân lực kèm với thị trường tiêu dùng thu nhỏ lại chắc chắn sẽ tạo sức ép cho tăng trưởng kinh tế của nước này.
Ngay cả các cơ quan nghiên cứu của chính phủ cũng cho rằng mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng, vốn nằm ở mức 7% trong giai đoạn 2011-2015, sẽ chỉ còn hơn 6% trong vòng 5 năm tới.
Như vậy Trung Quốc có thể là sẽ đi vào vết xe cũ của Nhật Bản, dẫn tới thời kỳ kinh tế trì trệ. Trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, tình trạng già hóa dân số tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cấu trong tương lai.
Nguyệt Nhi
Nguồn Nikkei