Ảnh: TL.

 
Lam Hồng Thứ Bảy | 18/01/2020 14:12

Chính quyền kiến tạo hạnh phúc

Chúng ta đang sống trong thời đại căng thẳng gia tăng, buộc chính quyền, người làm chính sách phải chú trọng hơn tới yếu tố “hạnh phúc” trong tăng trưởng...

Chúng ta thấy những chiều kích đối nghịch của tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc của người dân khi chứng kiến những thành phố giàu có về kinh tế lại xảy ra các cuộc biểu tình và bất ổn trong năm nay. Paris đã phải đối mặt với làn sóng bạo loạn ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tăng thuế nhiên liệu. Hồng Kông đã biến động sau khi Đặc khu trưởng đề xuất một đạo luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc Đại lục. Santiago đã bùng nổ một cuộc bạo loạn sau khi Tổng thống Sebastian Piñera ra lệnh tăng giá tàu điện ngầm...

Theo số liệu truyền thống về GDP bình quân đầu người, 3 thành phố nói trên là những thành công về mặt kinh tế. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người là khoảng 40.000USD ở Hồng Kông, hơn 60.000USD ở Paris và khoảng 18.000USD ở Santiago. Mỗi cuộc biểu tình có các yếu tố địa phương riêng biệt, nhưng đều cho thấy một câu chuyện lớn hơn về hậu quả của bất bình đẳng và sự bất bình của số đông. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019, người dân Hồng Kông, Paris và Santiago cảm thấy cuộc sống của họ bị mắc kẹt theo nhiều cách khác nhau.

Hạnh phúc hay thịnh vượng?

 

Giữa những biến động này, người ta càng quan tâm tới báo cáo về hạnh phúc mà vốn lâu nay dường như chỉ là một chỉ số để tham khảo. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc đã xếp hạng chỉ số hạnh phúc của 156 quốc gia. Trong đó, Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu năm thứ 2 liên tiếp. Nam Sudan là quốc gia đứng cuối cùng với vị trí thứ 156. Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng, tăng 1 bậc so với năm ngoái.

Báo cáo xếp hạng các quốc gia dựa trên 6 biến số chính để đánh giá hạnh phúc: thu nhập bình quân đầu người, tự do, niềm tin, sức khỏe, bảo trợ xã hội và sự hào phóng. Báo cáo cho thấy, nếu xếp hạng theo các chỉ tiêu thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, đứng thứ 105 trong bảng tổng sắp. Tuy nhiên, Việt Nam có thứ hạng tương đối cao ở tự do và kỳ vọng sống lành mạnh. Bảo trợ xã hội chỉ ở mức trung bình, đứng thứ 64 trong bảng xếp hạng.

Trong những năm qua, các lãnh đạo và người làm chính sách đã quan tâm hơn đến chủ đề “hạnh phúc”. Mới đây, có nhiều tranh luận về việc giảm giờ làm việc. Trong dòng tranh luận này, giơ cuốn sách Hạnh Phúc Của Người Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Làm việc cứ 9-10 tiếng một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu”.

Có lẽ ông Nhân tham khảo hoặc cùng quan điểm với nghiên cứu của Trường London School of Economics. Nghiên cứu này dựa trên khảo sát hơn 200.000 người về các yếu tố làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của họ. Kết quả cho thấy, một tinh thần khỏe mạnh và có bạn đời khiến người ta hạnh phúc hơn là được tăng lương gấp đôi.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Richard Layard nói kết quả này có nghĩa là chính quyền cần đóng vai trò mới đối với “hạnh phúc” của công dân bằng việc tập trung “tạo ra hạnh phúc” hơn là “tạo ra sự thịnh vượng”. Trong quá khứ, chính quyền đã thành công trong việc giải quyết nghèo đói, thất nghiệp, giáo dục và sức khỏe thể chất. Nhưng điều quan trọng không kém ngày nay là bạo hành, trầm uất và lo lắng, thanh niên thất nghiệp, môi trường xuống cấp, nạn thi cử và rất nhiều điều khác... Những vấn đề này phải được coi là trọng tâm để xây dựng một chính quyền kiến tạo hạnh phúc cho người dân.

 

Cựu Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay cho NCĐT biết, GNH (Gross National Happiness - Tổng Hạnh phúc Quốc dân) là một đích đến chứa nhiều thách thức. Trên thực tế, bài học từ thành công của Bhutan được thế giới nhìn nhận nhưng không nhiều quốc gia có thể ứng dụng mô hình tương tự. Bởi vì, hạnh phúc là khái niệm không có thước đo chung cho các dân tộc. Trong bối cảnh đời sống vật chất lên ngôi, ở tầm quốc gia, đích đến này đòi hỏi sự can đảm rất lớn từ những người điều hành.

Kiên trì theo đuổi GNH, Bhutan gần như là quốc gia duy nhất vững vàng trước những khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên... Trong vòng 20 năm trở lại đây, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí... Trong 30 năm, nền kinh tế Bhutan tăng trưởng từ 284 triệu USD lên 2,6 tỉ USD.

Chuyển thành quả kinh tế thành phúc lợi

Meik Wiking là Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu Hạnh phúc, một cơ quan cố vấn độc lập ở Đan 

Mạch, nước đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc của Liên hiệp Quốc. Ông cho rằng chính phủ có thể và nên đóng một vai trò trong việc kiến tạo hạnh phúc. “Các chính sách công cần nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, ngày càng muốn chuyển đổi thành quả kinh tế thành phúc lợi”, ông nói.

Tầm nhìn 2045 của Việt Nam mạnh dạn đặt ra mục tiêu Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới... Tuy nhiên, tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế quá nóng nhiều năm qua kéo theo nhiều vấn đề không kiểm soát được về môi trường, chất lượng sống, giáo dục... Thực tế, như nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra: tăng trưởng kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các cơ cấu xã hội, giáo dục và văn hóa nhằm hỗ trợ và trang bị thêm cho con người chỗ dựa và hành trang cần thiết trong việc phát triển của chính bản thân thì mỗi một con người đều trở thành kẻ đối địch của nhau trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc vị kỷ.

Điển hình là giải Nobel kinh tế 1998 đã được trao cho Amartya Sen với các công trình về “Bảo trợ kinh tế, lựa chọn công cộng và nghèo đói xã hội” thực hiện dưới giác độ “đưa chiều kích của đạo lý làm người về lại trong nội hàm của kinh tế học”. Ở đó, người dân được hưởng nước sạch, được đi lại mà không bị tắc nghẽn giao thông, đau ốm vào bệnh viện không phải chờ đợi lâu và được chữa trị bằng thuốc tốt, ra đường luôn phải được an toàn, an ninh. Cao hơn là thành phố phải xanh, có không khí trong lành.