Thứ Tư | 18/07/2012 07:17

Chính quyền khu vực Italia có nguy cơ vỡ nợ

Khu vực tự trị Sicily của Italia đang cần sự trợ giúp tài chính từ chính phủ do không có khả năng tự trả các khoản nợ của mình.
Thủ tướng Italia Mario Monti lo ngại chính quyền khu vực tự trị Sicily đang đối mặt với tình trạng vỡ nợ và cho biết trong một tuyên bố ngày hôm qua 17/7 rằng Roma sẽ thực hiện bảo lãnh các khoản nợ của Sicily cùng với việc "triển khai các công cụ hiệu quả và thích hợp nhất".

Sicily bị Moody's hạ bậc tín nhiệm, sau khi đã hạ xếp xạng của Italia vào tuần trước, nâng nguy cơ vỡ nợ lên cấp địa phương, trừ khi chính quyền trung ương có sự can thiệp.

Các khoản nợ của các chính quyền địa phương chiếm trung bình 5,7% tổng số nợ 1,96 nghìn tỷ của Italia. Tuy nhiên, các chính quyền này đang chịu sức ép về  ngân sách do chính phủ cắt giảm trợ cấp để tái cân bằng ngân sách riêng của mình.

Tình trạng nợ và thâm hụt chi tiêu của chính quyền khu vực Tây Ban Nha cũng đã trở thành một chiến trường quan trọng trong nỗ lực đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách của Madrid.

Sicily từ lâu bị coi là một trong những khu vực quản lý yếu kém nhất của Italia, trong đó lĩnh vực công chiếm phần lớn việc làm và nền kinh tế của hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải này.

Tình hình tài chính bấp bênh, với thâm hụt gần 4 tỷ euro và món nợ 5,3 tỷ euro trong năm ngoái đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng chính trị cùng với tình trạng đặc biệt là một khu vực tự trị, có thể làm phức tạp thêm sự can thiệp của Rome.

Raffaele Lombardo, thống đốc Sicily, cho biết ông sẽ từ chức ngày 31/7, trước cuộc bầu cử khu vực diễn ra vào tháng 10, bất kể việc điều tra liên quan đến mafia của ông bị đem ra xét xử. Ông phủ nhận những cáo buộc và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Monti vào ngày 25/7 tới.

Thống đốc trước đây của Sicily, Salvatore Cuffaro, cũng đã bị tuyên án 7 năm tù giam về tội giúp đỡ và tiếp tay cho mafia.

Trong một diễn biến liên quan, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của thành phố lớn nhất miền nam Italia - Naples xuống Ba1 với lý do "tình trạng ngân sách bấp bênh, nợ cao và rủi ro tài chính trong bảng cân đối kế toán".

Nguồn FT/DVT


Sự kiện