Chính phủ Nga sẽ bán cổ phần trong Rosneft để giải cứu ngân sách?
Theo 2 nguồn tin của Bloomberg, chính phủ Nga đang tìm cách bán số cổ phần 19,5% ở tập đoàn dầu khí Rosneft, với dự kiến là sẽ bán lại cho cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Vladimir Tikhomirov, kinh tế gia trưởng của BCS Financial Group, nhận định: “Đó sẽ là một lựa chọn rất logic. Ấn Độ và Trung Quốc đang muốn cải thiện quan hệ với Nga, trong khi Nga có khá ít lựa chọn trong việc tìm nhà đầu tư vào Rosneft”.
Các quan chức chính phủ Nga dự kiến sẽ thu về ít nhất 700 tỷ rúp (11 tỷ USD) từ thương vụ này, đánh dấu một kỷ lục mới về thoái vốn chính phủ ở Nga. Theo đánh giá của Bloomberg, nó sẽ giúp cho nước Nga giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, vốn được dự kiến sẽ lên tới gần 22 tỷ USD trong năm nay, cũng như tạo đối trọng với cổ đông BP (Anh Quốc) hiện đang nắm gần 20% cổ phần Rosneft.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã công khai bày tỏ ý định muốn đầu tư vào Rosneft để có chỗ đứng tại quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa có nước nào thừa nhận về việc cùng nhau đầu tư vào công ty này. Hôm thứ 6 tuần rồi, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Dharmendra Pradhan cũng không phủ nhận khả năng này: “Chúng tôi không phải là đối thủ của nhau. Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) và Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã có các dự án hợp tác chung, và có thêm dự án nữa là điều tốt”.
Sáng hôm thứ 21/6 tại London, giá cổ phiếu Rosneft đã tăng thêm 5%, sau khi đã tăng 5,3% trong hôm 17/6, đưa giá trị vốn hóa của hãng lên 55,4 tỷ USD. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Rosneft đã lên giá 50%.
Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Rosneft đã lên giá 50% - Ảnh: Bloomberg |
Hồi tháng 4, CNPC từng cho biết họ đang nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư vào Rosneft nhưng không cho biết cụ thể hơn. Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã cho vay và thanh toán trước cho các công ty năng lượng Nga tổng số tiền hơn 100 tỷ USD. Một phần của số tiền này đã được Rosneft sử dụng cho các hoạt động thâu tóm, để từ đó trở thành công ty dầu khí niêm yết có sản lượng lớn nhất thế giới hồi năm 2013.
Trong khi đó, tuy Ấn Độ chưa có nhiều hoạt động mua bán năng lượng với Nga, nước này đang rất có khả năng trở thành động cơ tăng trưởng mới cho ngành dầu khí toàn cầu. Trong năm nay, Ấn Độ được dự báo sẽ tiêu thụ 4,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, vượt qua mức 4,1 triệu của Nhật Bản. Tới năm 2040, mức tiêu thụ của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng thêm 6 triệu thùng / ngày, so với mức tăng 4,8 triệu của Trung Quốc.
Hồi tháng 5, ONGC đã đồng ý trả cho Rosneft 1,27 tỷ USD để mua 15% cổ phần trong dự án Vankor, một trong những khu khai thác dầu lớn nhất nước Nga. Tới hôm 17/6, Rosneft cũng đã đồng ý bán thêm 23,9% cổ phần trong Vankor cho 3 công ty dầu khí khác của Ấn Độ, với trị giá khoảng 2,02 tỷ USD, theo 2 nguồn tin của Bloomberg.
Hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là khi nào chính phủ Nga sẽ bán lại số cổ phần trong Rosneft cho Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Tikhomirov nhận xét: “Nếu giá dầu cứ ở mức như hiện tại cho đến cuối năm thì thâm hụt ngân sách của chính phủ Nga sẽ không nghiêm trọng như mức mà Bộ Tài chính dự báo hồi cuối năm ngoái. Do đó, thương vụ này có thể được trì hoãn cho tới năm sau để đợi giá dầu tăng trở lại”.
Tuy vậy, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cũng cho biết vào hôm 17/6 rằng ông dự kiến thương vụ này sẽ diễn ra trong năm nay, do hồi tháng 4 tổng thống Vladimir Putin đã đánh giá rằng đây là việc cần làm gấp. Khi đó, ông Putin cho biết ông muốn thương vụ này hoàn tất càng nhanh càng tốt một khi đã tìm được đối tác “không keo kiệt” vì “chúng ta đang cần số tiền này”.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg