Thứ Tư | 24/07/2013 12:00

Chính phủ Mỹ sẽ không cứu Detroit

Mỹ đã cứu các tập đoàn lớn như General Motors, Chrysler nhưng có thể chấp nhận vụ vỡ nợ địa phương lớn nhất trong lịch sử.
Các nhà làm luật tại Quốc hội Mỹ bác khả năng sẽ cấp gói cứu trợ tài chính cho thành phố Detroit sau khi thành phố này tuyên bố xin bảo lãnh phá sản tuần trước, thượng nghị sỹ Dân chủ Carl Levin cho biết.

Việc chính quyền tổng thống Barack Obama từ chối cứu trợ cho thấy chính phủ nước này dè dặt hơn trong chi tiêu ngân sách trong bối cảnh Mỹ sắp đối mặt với một cuộc chiến nâng trần nợ công trong năm nay. Họ không nhận thấy nhiều lợi ích chính trị khi vực dậy một thành phố đã giảm 1 nửa dân số kể từ năm 1970.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, tổng thống Obama đã “giải trình” về gói cứu trợ 82 tỷ USD đối với ngành ô tô của Mỹ với lý do để ổn định thị trường việc làm bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa. Nhưng hiện tại, chính quyền của ông không sẵn sàng cứu trợ trực tiếp cho Detroit, thủ phủ của ngành xe hơi.

Trả lời phỏng vấn báo giới hôm qua, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Chính quyền sẽ làm việc với Detroit và nói về các ý tưởng chính sách. Trong trường hợp Detroit không tránh được vỡ nợ, lãnh đạo và các tổ chức tín dụng địa phương sẽ phải vào cuộc”.

Trước kia, tổng thống Obama có thể dùng ngân sách trong Chương trình Giải cứu Tài sản xấu (TARP) để cứu trợ các tập đoàn mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Chính quyền Obama hiện vẫn có thể cứu Detroit nhưng sẽ không làm vậy, Jared Bernstein, chuyên gia cấp cao tại một tổ chức cố vấn độc lập và từng là cố vấn kinh tế cho phó tổng thống Joseph Biden nhận định.

Theo chuyên gia này, các tập đoàn sản xuất ô tô được cứu trợ bởi sau khi thị trường tài chính gần như sụp đổ thì không còn ngân quỹ để GM và Chrysler tái cơ cấu. Nếu không có gói cứu trợ, cả 2 tập đoàn này sẽ phải đóng cửa, ảnh hưởng đến thị trường việc làm trong ngành ô tô cũng như ngành sản xuất của Mỹ nói chung.

Hơn nữa, Quốc hội Mỹ ít khả năng chấp nhận cứu trợ Detroit thời điểm này đặc biệt khi có quá nhiều địa phương đối mặt với vấn đề tài chính. “Việc chính phủ can thiệp vào sẽ là cả một vấn đề lớn trừ khi thị trường sụp đổ gây gián đoạn cả nền kinh tế”, chuyên gia Bernstein nhấn mạnh.

Nguồn CNN Money, Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện