Chính phủ Mỹ đóng cửa, nhiều nhà tư vấn vẫn giữ khách hàng ở lại TTCK
Đối với nhiều người quản lý các quỹ tiền tệ, những rắc rối, tranh cãi của chính phủ về ngân sách trở thành một phần thường xuyên trong môi trường kinh tế vĩ mô, với một lần tranh cãi tương tự năm 2011 và 2012. Ông Eric Stein, đồng giám đốc hãng Global Income tại Boston và cũng là nhà quản lý quỹ đầu tư hơn 17 tỷ USD nói: "Có thể sẽ có một số động thái thị trường ngắn hạn... nhưng thực chất thị trường ngày càng trở nên miễn dịch với những tranh cãi vô nghĩa của Washington."
Ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch đã xem xét lại 17 lần đóng cửa của chính phủ Mỹ từ 1976 thì hầu hết không ảnh hưởng nhiều đến danh mục đầu tư trên thị trường (trừ 3 lần đóng cửa trước năm 1987 dưới thời tổng thống Ford, Carter và Reagan). Về quy luật, các chuyên gia rút ra, thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng 0,1% trước khi chính phủ đóng cửa, giảm 0,8% trong thời gian đóng cửa và sau đó tăng trở lại 1,1% sau khi chính phủ quay trở lại hoạt động.
Một số nhà quản lý quỹ cũng cho biết đây là lúc họ trở thành người mua hơn là người bán: "Tất cả những đợt bán tháo ngắn hạn liên quan đến chính phủ đều là cơ hội trong quá khứ, và tôi xem đây chỉ là cơ hội để mua cổ phiếu với giá giảm từ mức cao kỷ lục", ông Matthew D.McCall, chủ tịch tập đoàn tài chính Penn tại New York cho biết.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều tự tin với thị trường hiện tại. Erik Davidson, phó giám đốc đầu tư tại ngân hàng tư ngân Wells Fargo khuyên khách hàng sử dụng việc đóng cửa của chính phủ như một cơ hội để bán những oỏ phiếu đã tăng trưởng mạnh trong năm nay và chuyển tiền sang khu vực an toàn hơn như trái phiếu chính phủ hay các cổ phiếu của thị trường mới nổi.
Các chuyên gia quan tâm nhiều hơn đến quyết định nâng trần nợ sắp tới, tránh cho chính phủ vỡ nợ khi đến hạn ngày 17/10.
Nguồn Dân Việt/Reuters