Uniper đã đàm phán với chính phủ Đức về một gói cứu trợ. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Ba | 26/07/2022 10:15

Chính phủ Đức tung hơn 15 tỉ USD giải cứu công ty khí đốt khổng lồ

Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng này.

Chính phủ Đức hôm 22/07 đã đồng ý cứu trợ Công ty khí đốt Uniper với gói hỗ trợ trị giá 15 tỉ euro (15,24 tỉ USD), khi công ty năng lượng này trở thành nạn nhân đầu tiên trong vụ siết chặt khí đốt tự nhiên của Nga.

Với gói này, chính phủ Đức sẽ nắm giữ 30% cổ phần của Uniper. Khi thương vụ được công bố, cổ phiếu của công ty đã tăng nhẹ trước khi giảm mạnh chỉ một giờ sau đó, với giá giao dịch thấp hơn 21%.

Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - gióng lên hồi chuông cảnh báo về giá năng lượng tăng vọt và đã nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng này. Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, Uniper đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Nga siết dòng chảy khí đốt khiến giá tăng vọt.

 

Sau gói cứu trợ, tỉ lệ sở hữu của Fortum (công ty mẹ có trụ sở tại Phần Lan của Uniper) sẽ giảm từ 80% xuống 56%. Gói giải cứu này là kết quả của nhiều tuần đàm phán cam go giữa các bên liên quan.

Chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ thêm nếu khoản lỗ của Uniper - do hậu quả của việc siết khí đốt - vượt quá 9 tỉ euro, Fortum nói thêm.

Nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm đáng kể, kể từ cuộc chiến với Ukraine vào đầu năm nay và chuỗi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Uniper chỉ nhận được “một phần nhỏ khối lượng khí đốt theo hợp đồng” từ tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga kể từ giữa tháng 6, theo Fortum, có nghĩa là họ đã phải mua khí đốt với giá thị trường giao ngay cao hơn nhiều. Fortum cho biết thêm, điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình tài chính của Uniper.

Giá khí đốt đầu tháng tại trung tâm TTF của Hà Lan (tiêu chuẩn châu Âu cho hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên) cao hơn khoảng 5% vào ngày 22/07, ở mức 164 euro mỗi megawatt/giờ. Giá đã tăng hơn 650% so với năm ngoái.

Tuần trước, Uniper cho biết họ đã phải rút bớt khí đốt từ các cơ sở lưu trữ, giảm nguồn cung cần thiết cho mùa đông. Trong một tuyên bố, công ty nói rằng việc giảm khối lượng khí đốt từ các cơ sở lưu trữ của riêng mình là cần thiết "để cung cấp khí đốt cho khách hàng của chúng tôi và đảm bảo tính thanh khoản của Uniper."

Có thể bạn quan tâm:

 Mặc nguy cơ suy thoái, châu Âu tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm

Nguồn CNBC