Chính phủ các nước thực sự nợ bao nhiêu và giấu nợ thế nào?
Do đó, vấn đề trọng tâm của các chương trình như thế là tái phân phối thu nhập và tác động của chúng tới khuyến khích, chứ không phải chuyện khả năng thanh toán. Hai ví dụ nổi bật nhất là y tế và lương hưu.
Tuy vậy, phần lớn công nợ ngoại bảng của các chính phủ lại rất khó thấy. Số công nợ này có tính "tiềm tàng" (contingent), tức chỉ thành nợ trong một số điều kiện nhất định. Hơn nữa, quy mô của số công nợ này thường chẳng ai biết cho đến khi "một số điều kiện nhất định" xảy ra.
Cho đến khi ấy, công nợ tiềm tàng chưa được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của chính phủ.
Có công nợ tiềm tàng (contingent liabilities) là do chính phủ thực hiện vai trò nhà bảo hiểm. Nhà nước sẽ khiến toàn bộ dân chúng "mắc cạn" nếu chấp nhận các nghĩa vụ bảo hiểm mà họ không có khả năng thực hiện.
Neo tỷ giá
Ví dụ rõ ràng nhất cho hiện tượng này là khi chính phủ neo tỷ giá, hay tệ hơn là từ bỏ hẳn đồng tiền của mình. Chính phủ các nước thường dựa vào lãi suất giảm để hạn chế tác động của suy thoái vì trái phiếu hấp dẫn giới đầu tư khi kinh tế yếu ớt.
Tuy vậy, nếu chính phủ vay mượn bằng đồng tiền họ không thể in, dòng tiền danh nghĩa không thể được bảo đảm. Kết quả là, giới đầu tư có thiên hướng "chạy", khiến lãi suất thực tăng và đánh quỵ cả nền kinh tế.
Bất chấp nhược điểm lớn này, đôi khi các nước vẫn vay ngoại tệ vì khi mọi chuyện tốt đẹp, chi phí lãi vay thường thấp. Dù lãi suất thấp những lúc "trời yên biển lặng" giúp giảm tỷ lệ nợ công, nhưng nghĩa vụ nợ thực của cư dân lại lớn hơn nhiều. Kinh nghiệm gần đay của khu vực eurozone là minh chứng mới nhất cho hiện tượng này.
Tuy vậy, thực tế chính phủ vẫn thực hiện được phần lớn các cam kết bảo hiểm của mình, ít nhất là với những bên "được bảo hiểm". Vấn đề là ở chỗ một số "đơn bảo hiểm" như thé thực tế lại tái phân phối thu nhập bằng cách trợ cấp cho một số hành vi rủi ro, ví dụ như khi chính phủ hỗ trợ tiền xây lại nhà sau thiên tai.
Bảo đảm ngầm cho tiền gửi ngân hàng
Phần lớn các nước còn bảo đảm cho một số loại nợ tư nhân. Sự bảo đảm này có thể công khai hoặc ngấm ngầm, ví dụ như tiền gửi ngân hàng hay tín dụng xuất khẩu. Thường chính phủ không phải bận tâm tới việc chi trả cho các nghĩa vụ bảo đảm này vì họ thường yêu cầu phải trả phí trước, có tài sản ký quỹ và phải bị giám sát.
Nhưng điều đó không có nghĩa chính phủ không có rủi ro gì. Chính phủ có thể ngầm bảo đảm cho nhiều loại hình nợ, đặc biệt là nợ do các tổ chức tài chính được coi là "quá lớn để đổ vỡ".
Tính tổng cộng, các khoản nợ được bảo đảm công khai và ngấm ngầm này ít nhất phải bằng số nợ do kho bạc và bộ Tài chính phát hành. Còn lớn hơn bao nhiêu thì rất khó nói, vì chỉ đến khi khủng hoảng ta mới biết được.
"Cơ chế tự ổn định"
Một số dạng bảo hiểm, như "cơ chế tự ổn định" hạn chế thiệt hại khi chu kỳ kinh doanh đi xuống, nhìn chung là có lợi. Thu thuế giảm vì ít người làm việc, và hệ thống an sinh xã hội giúp người ta không rơi vào cảnh khốn cùng.
Vấn đề là các cơ chế tự bình ổn này không có tác dụng giống nhau trong hai "pha" tăng trưởng và suy thoái, phần nào cũng là vì chính hai pha này cũng hiếm khi giống nhau.
Chỉ một lần suy thoái có thể tác động tới thâm hụt ngân sách mạnh tới mức mọi "phí bảo hiểm" do cư dân chi trả bị cuốn phăng. Điều đó không có nghĩa chính phủ đột nhiên bị gán mác "vô trách nhiệm" hay tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ sớm khiến người ta phải nhức đầu.
Vì có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục phải chịu đựng những lần khủng hoảng tài chính tuy ít xảy ra nhưng rất nặng nề và những đợt suy thoái thường xuyên nhưng dễ xử lý, việc tìm ra chính sách có thể ngăn chặn và hạn chế thiệt hại từ chúng là rất giá trị.
Chi tiêu quốc phòng
Loại "nợ tiềm tàng" cuối cùng là rủi ro của những sự kiện hiếm nhưng rất nguy hại như chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh và thiên tai.
Thực ra mà nói, đây không phải công nợ của riêng chính phủ mà là của toàn bộ dân cư. Tuy vậy, thường thì khu vực tư nhân sẽ yêu cầu nhà nước thay mặt mình "tự bảo hiểm" các rủi ro kể trên bằng cách trao cho nhà nước trách nhiệm bảo đảm hòa bình và an ninh trong nước.
Chính sách nào giảm được quy mô và tần số xuất hiện của các sự kiện hiếm ấy sẽ giúp giảm quy mô công nợ ngoại bảng, dù cho các chính sách ấy có gây ra thâm hụt ngân sách và tăng tỷ số nợ trên GDP.
Ví dụ này có thể gây tranh cãi, nhưng hãy cân nhắc ngân sách quốc phòng và tình báo của Mỹ. Chi tiêu quân sự của Mỹ hiện nhiều hơn tất cả các nước NATO, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chi tiêu quá mức.
Họ có thể đúng, nhưng hoàn toàn có thể chính số tiền ấy đã giúp giảm quy mô và tần số giao tranh giữa các cường quốc. Chúng ta không bao giờ có thể kiểm chứng được giả thuyết này, nhưng sức mạnh quân sự khổng lồ đã giúp giảm rủi ro chiến tranh và tiết kiệm cho dân Mỹ vô số máu xương và của cải.
Theo logic này, nó còn giúp các quốc gia khác nhiều hơn, vì họ "ăn không" được nền tảng an ninh mà nước Mỹ xây dựng.
Quan điểm này về vấn đề "kế toán quốc gia" có thể rắc rối, nhưng nó sẽ giúp chúng ta có một lối tư duy khác, đầy giá trị về những việc chính phủ làm, nên làm và không nên tiếp tục làm.
Nguồn CafeF