Thứ Hai | 11/02/2013 22:09

Chiến tranh tiền tệ nổ ra, quốc gia nào sẽ “đổ máu”?

Theo Morgan Stanley, nhân tố chủ chốt của cuộc chiến tranh tiền tệ ngày nay chính là Nhật Bản.
Trong bối cảnh các nước liên tiếp giảm giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu như hiện nay, nhiều người lo ngại 1 cuộc chiến tranh tiền tệ tương tự như hồi những năm 1930 sẽ nổ ra. Vậy thì, nước nào sẽ là bên thắng cuộc cũng như nước nào sẽ là kẻ bại trận?

Morgan Stanley vừa đưa ra một số nhận định trả lời cho câu hỏi này. Theo Morgan Stanley, nhân tố chủ chốt của cuộc chiến tranh tiền tệ ngày nay chính là Nhật Bản.

Tháng 1 vừa qua, ngân hàng trung ương (NHTW) Nhật Bản đã tăng gấp đôi mức lạm phát mục tiêu và cam kết trong năm tới sẽ mua tài sản không giới hạn. Kế hoạch này được đưa ra sau cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng. Ngay sau khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng vừa tái đắc cử Shinzo Abe đã công khai kêu gọi NHTW nước này thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế quyết liệt.

Theo Morgan Stanley, động thái này sẽ là nhân tố chủ chốt dẫn đến chiến tranh tiền tệ trong bối cảnh Nhật Bản gắng sức vực dậy nên kinh tế đã trì trệ trong thời gian quá dài. "Nếu 1 đồng yên yếu là trụ cột quan trọng trong chiến dịch nâng cao sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu cho nền kinh tế Nhật Bản, một điều vốn đã bị bỏ lỡ trong quá trình tương tác giữa các NHTW của các nền kinh tế phát triển: phá giá tiền tệ cạnh tranh". Và, Morgan Stanley nhận định rằng động thái này khiến thế giới tiến thêm 1 bước gần hơn với chiến tranh tiền tệ.

Chuyên gia kinh tế Manoj Pradhan đến từ Morgan Stanley nghiên cứu kỹ lưỡng về thời kỳ những năm 1930 và nhấn mạnh những bài học có thể áp dụng cho ngày nay.

Vào ngày 19/9/1931, Anh là nước đầu tiên rời bỏ chế độ bản vị vàng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao. Ngay lập tức, đồng bảng Anh giảm giá mạnh và gây nên tác động dây chuyền đối với Mỹ, Na Uy, Thụy Điển, Pháp và Đức.

Theo Pradhan, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với ngòi nổ là đồng yên của Nhật Bản. Do nhu cầu trên toàn cầu có xu hướng tiếp tục yếu ớt, khu vực xuất khẩu của Nhật Bản phục hưng nhờ vào đồng yên yếu sẽ khiến xuất khẩu của các nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà giảm giá của đồng yên.

Trong kịch bản mà Morgan Stanley đưa ra, Pradhan nhấn mạnh NHTW châu Âu và Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các gói nới lỏng định lượng bởi họ lo lắng về xu hướng tăng giá của đồng euro và trần nợ.

Còn đối với các nền kinh tế Mỹ Latinh và châu Á, các nước này sẽ thắt chặt kiểm soát vốn bằng các biện pháp như ví dụ như đánh thuế giao dịch hoặc thậm chí khẩu chiến có thể xảy ra.

Một chuyên gia kinh tế khác của Morgan Stanley là Sharon Lam tin rằng các nước Hàn Quốc và Đài Loan sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối và đưa ra các chính sách kiểm soát vốn khắt khe. Các nền kinh tế mới nổi khác như Colombia, Mexico, Peru và Chile cũng đã phát tín hiệu phản kháng.

"Mặc dù nguy cơ chiến tranh tiền tệ không phải là quá lớn, sự quyết liệt của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản ẩn chứa nhiều rủi ro. Kinh nghiệm rút ra từ những năm 1930 cho thấy khủng hoảng tiền tệ trên diện rộng thường khởi nguồn từ những vấn đề của 1 nước nào đó. Hơn nữa, trong chiến tranh luôn có kẻ thắng người thua. Và, trong bối cảnh hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của các nước mới nổi đang cố gắng đảm bảo rằng họ là bên thắng cuộc. Tuy nhiên, giờ đây, quyền lực thuộc về Nhật Bản!" , Pradhan nói.

Nguồn CafeF


Sự kiện