Chiến tranh tiền tệ hay là mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc?
Trước việc Trung Quốc cho phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) từ đầu tuần đến nay, nhiều người đã cho rằng nước này đang phát động một cuộc "chiến tranh tiền tệ" tại châu Á. Tuy nhiên, đây thực chất đang là một cuộc chiến ngay trong nội bộ giới điều hành kinh tế của Trung Quốc.
Sa bẫy?
Một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển là "bẫy thu nhập trung bình": Khi GDP bình quân đầu người chạm đến một ngưỡng nhất định, tốc độ tăng trưởng bất ngờ bị chậm lại đáng kể và sau đó rất khó quay lại được như trước. Dù đã là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng GDP đầu người của Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân 10% của giai đoạn 1980-2010 đã giảm xuống còn 8% trong các năm 2011-2014.
Đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại đáng kể trong những năm gần đây - Ảnh: frbsf.org |
Trong báo cáo mới đây của mình, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Zheng Liu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco đã chỉ ra thêm một nguy cơ khác: Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vốn đầu tư thay vì cải thiện năng suất như trước đây.
Kể từ năm 1990 tới nay, tỷ lệ tiết kiệm của người Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 15% lên 30%. Điều này có nghĩa là lượng vốn dự trữ trong nước rất lớn, nhưng lại gặp vấn đề là hệ thống phân phối vốn không hợp lý: Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả vẫn được giới ngân hàng Trung Quốc ưu đãi hơn rất nhiều so với giới doanh nghiệp tư nhân. Việc chính phủ Trung Quốc tìm cách hạn chế tăng trưởng tín dụng trong mấy năm gần đây chỉ càng làm cho hoạt động tín dụng ngầm ngày càng mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ nổ bom nợ xấu.
Tương tự như vậy, tình trạng thiếu kênh đầu tư an toàn đã dẫn tới việc bơm phồng và nổ tung bong bóng chứng khoán trong năm nay. Đó là chưa kể tới hàng loạt dự án bất động sản dang dở và các thành phố ma đang đe dọa gây nổ bong bóng bất động sản bất cứ lúc nào.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào vốn đầu tư (đỏ) thay vì cải thiện năng suất (xanh) và gia tăng lực lượng lao động (đen) - Ảnh: frbsf.org |
Trong khi đó, việc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đã dẫn tới một rắc rối nữa: Giới lãnh đạo và doanh nghiệp thích tìm cách giữ cho mức lương và phúc lợi của người lao động ở mức thấp, nhằm duy trì lợi thế giá rẻ. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn là rất khó gia tăng mức tiêu dùng trong nước, và vì thế lại càng lệ thuộc vào xuất khẩu. Mấy năm nay, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn dậm chân ở mức 36% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 60%.
Và dĩ nhiên, nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận ra nguy cơ này. Trong đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiên trì tìm cách giữ cho tỷ giá đồng NDT ở mức cao nhằm thực hiện chiến lược lâu dài là giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Trong 12 tháng qua, tỷ giá của đồng NDT đã tăng khoảng 14%.
Tuy nhiên, điều này lại đặt PBOC vào thế đối đầu với Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn luôn muốn giữ cho đồng NDT ở tỷ giá thấp để tăng cường kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang khá kiên định với mục tiêu đạt tăng trưởng 7% GDP trong năm nay.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc càng ngày càng đi xuống - Ảnh: mercenarytrader.com |
“Cuộc chiến tiền tệ” thực chất là một cuộc chiến bắt nguồn từ nội bộ giới hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Nhà báo lão luyện Justin Fox của Bloomberg bình luận: “Kịch bản thường thấy nhất của Trung Quốc là: ‘Kinh tế Trung Quốc đối mặt với thách thức nào đó. Chính phủ đi tìm cách giải quyết. PBOC có một loạt công cụ trong tay. Nhưng mà nhìn kìa, cả một kho ngoại tệ 3.700 tỷ USD!’”.
Có thể hiểu hàm ý của Fox rằng việc có trong tay lượng dự trữ khổng lồ này là một con dao hai lưỡi: Vừa là cái đệm an toàn cho Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời khiến cho chính phủ Trung Quốc lẫn giới đầu tư dễ mất cảnh giác và lúng túng trong việc xử lý các đợt khủng hoảng.
Cách thức mà Trung Quốc xử lý việc phá giá NDT từ đầu tuần đến nay là dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách của nước này đang tự mâu thuẫn với chính họ như thế nào: Sau khi để cho đồng NDT hạ giá, PBOC lại kêu gọi các ngân hàng bán ra USD để hãm lại, để rồi Bộ Thương mại lại tiếp tục gây áp lực đòi giảm giá tới mức gần 10%.
Tương tự như vậy, khi giá chứng khoán Trung Quốc rơi gần như tự do hồi tháng 6 và tháng 7, phản ứng của các cơ quan nhà nước cũng trái ngược nhau: Ủy ban chứng khoán (CSRC) thì muốn hạ nhiệt thị trường, còn PBOC thì lại muốn giá chứng khoán đi lên. Có vài lần CSRC tìm cách hạn chế hoạt động giao dịch ký quỹ, xong rồi lại quay ngoắt 180 độ. May mắn thay là cuối cùng tình hình chứng khoán Trung Quốc cũng quay lại bình ổn.
Nhưng liệu phép màu này có lặp lại lần thứ nhì với đồng Nhân dân tệ?
Tuấn Minh