Chiến tranh tiền tệ đã từng xẩy ra như thế nào?
Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất trong thế kỷ 20 diễn ra một cách ngoạn mục vào năm 1921, khi bóng ma của Thế chiến thứ nhất còn lởn vởn. Cuộc chiến xảy ra với nhiều vòng đấu trên khắp 5 châu lục và những dư âm kéo dài đến tận thế kỷ 21. Đây là thời kỳ các cường quốc thay phiên phá giá đồng tiền, với những chính sách được mô tả là “bần cùng hóa lân bang” hay “lợi mình hại người” (beggar-thy-neighbor).
Đức, nước bại trận trong Thế chiến thứ nhất, là quốc gia đầu tiên ra đòn vào năm 1921 với một đợt lạm phát được Ngân hàng Trung ương Đức (Reichsbank) tính toán nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh nhưng rốt cuộc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát để phá hủy nền kinh tế bị kìm kẹp bởi gánh nặng chiến phí. Năm 1922, Reichsbank đã phải điên cuồng in tiền để trả lương cho các nhân viên nhà nước và công nhân nghiệp đoàn. Thậm chí, để tiết kiệm mực in, người ta chỉ in tiền ở một mặt giấy.
Hậu quả là một USD khi ấy có giá trị lớn đến nỗi các du khách Mỹ không thể tiêu xài nó vì các chủ cửa hiệu không tìm đâu ra được hàng triệu mark để thối lại. Trong cuốn Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis (tạm dịch: Chiến tranh tiền tệ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp đang thành hình), tác giả James Rickards kể rằng thực khách tại các nhà hàng ở Đức thời đó thường đề nghị được trả tiền trước vì biết chắc giá sẽ tăng cao hơn nhiều sau khi họ kết thúc bữa ăn. Trước tình hình hỗn loạn về kinh tế, Pháp và Bỉ đã đưa quân chiếm đóng vùng Ruhr ở phía bắc Đức vào năm 1923 để buộc nước này trả chiến phí.
Vòng xoáy trả đũa
Năm 1925, đến lượt Pháp phá giá đồng nội tệ (franc) trước khi quay trở lại với bản vị vàng, qua đó chiếm được lợi thế xuất khẩu so với Anh và Mỹ, vốn trở lại với thước đo vàng theo tỷ giá trước chiến tranh. Như những gì thể hiện trong bộ phim Nửa đêm ở Paris của Woody Allen, kiều dân Mỹ sống rất xa hoa tại Pháp vào giữa thập niên 1920 bởi tình trạng lạm phát phi mã ở nước này. Một người Mỹ với một ít tiền bằng USD có thể đến Pháp và sống cuộc sống của một ông hoàng, theo Rickards.
Trong khi đó, sau nhiều năm ngậm đắng nuốt cay chịu cảnh suy thoái vì quyết định phục hồi hệ thống bản vị vàng trước năm 1914 của Bộ trưởng Tài chính Winston Churchill, Anh từ bỏ kim loại này vào năm 1931 để giành lại những gì đã mất vào tay Pháp năm 1925. Nước Đức tạm trút gánh nặng vào năm 1931 khi Tổng thống Mỹ Herbert Hoover ký lệnh hoãn trả nợ chiến phí. Sau năm 1933, với sự trỗi dậy của Adolf Hitler, Đức từ từ đi theo lối riêng và rút khỏi giao dịch thương mại thế giới, trở thành nền kinh tế tự cấp tự túc, mặc dù vẫn duy trì liên hệ với Áo và Đông Âu. Mỹ bắt đầu tham chiến năm 1933, khi phá giá USD đối với vàng và giành lại lợi thế cạnh tranh về giá xuất khẩu đã mất vào tay Anh năm 1931. Lúc này, lại đến lượt đi của Pháp và Anh. Năm 1936, Paris từ bỏ bản vị vàng trong khi London phá giá bảng Anh thêm lần nữa để giành lại lợi thế mất vào tay USD năm 1933.
Kết quả của cuộc chiến tranh tiền tệ này dĩ nhiên là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất của lịch sử thế giới - Đại suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và sản xuất công nghiệp sụp đổ, tạo ra thời kỳ tăng trưởng từ rất yếu tới âm. Các nền kinh tế lớn trên thế giới cùng chạy đua xuống vực thẳm, gây ra gián đoạn thương mại, sụt giảm sản lượng và sinh ra đói nghèo. Tình trạng bấp bênh đó đổ thêm dầu vào lửa cho các xu hướng cực đoan về chính trị, với những hậu quả không thể rõ ràng hơn. Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất không được giải quyết dứt điểm cho đến tận Thế chiến thứ hai và Hội nghị Bretton Woods năm 1944. Bản chất mong manh của hệ thống tiền tệ quốc tế thời kỳ ấy biến chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất trở thành câu chuyện cảnh tỉnh cho ngày nay, khi thế giới một lần nữa đối mặt với thách thức lớn về kinh tế toàn cầu.
Nguồn TNO