Ảnh: Nikkei Asian Review.

 
Hà Linh Thứ Năm | 13/06/2019 12:53

Chiến tranh thương mại thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á

Khi chiến tranh thương mại xảy ra, các công ty Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Đông Nam Á nhằm tránh thuế quan của Mỹ.

Điều này giúp thúc đẩy kinh tế cho các quốc gia này nhưng cũng làm tăng nguy cơ họ gặp rắc rối với nước Mỹ, với một vị Tổng thống khó lường.

Tính đến 20/05, đầu tư trực tiếp nước ngoài mới của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 5,6 lần so với năm ngoái lên 1,56 tỷ USD USD. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt hơn con số trong cả năm 2018. Nếu tốc độ này tiếp tục, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành quốc gia dẫn đầu về vốn FDI tại Việt Nam tính từ năm 2007.

Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 1 tỷ USD được phê duyệt.  Nhật Bản, nhà đầu tư hàng đầu trong năm 2017 và 2018, chỉ mới đầu tư  khoảng 730 triệu USD trong các dự án.

Chien tranh thuong mai thuc day dau tu cua Trung Quoc vao Dong Nam A
Nhiều doanh nghiệp đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế từ Mỹ. Ảnh: Laodong.vn

Thái Lan cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng của dòng vốn Trung Quốc. Dữ liệu của chính phủ Thái Lan cho thấy, trong quý I/2019 đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 29,3 tỷ Baht (933 triệu USD).

Sự gia tăng này xảy ra khi các công ty Trung Quốc đã tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế, nhằm né thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa sản xuất từ nền kinh tế số 2 thế giới.  Hơn 20 công ty Trung Quốc đã di chuyển hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài hoặc công bố kế hoạch để làm như vậy kể từ năm ngoái.

Trung Quốc "đã gia tăng liên kết đầu tư với các nước châu Á đang phát triển trong những năm gần đây, nhưng xu hướng dường như đã tăng tốc do tác động của cuộc xung đột thương mại", Ngân hàng Phát triển Châu Á viết trong một báo cáo hồi tháng 4.

Các doanh nghiệp này đặc biệt hướng về Việt Nam, do vị trí địa lý và lao động giá rẻ. Một báo cáo của Nomura Holdings vào ngày 3/6 cho thấy Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất của cuộc chiến thương mại, khi sự dịch chuyển sản xuất đem lại cho đất nước một lợi ích có giá trị bằng 7,9% GDP.  Đài Loan đứng thứ hai với mức tăng 2,1%, trong khi Chile đứng thứ ba với 1,5%.

Nhưng sự thay đổi sản xuất có thể sẽ khiến Việt Nam gặp rủi ro, nếu xuất khẩu tăng khiến cho chính quyền Trump phàn nàn về sự mất cân bằng thương mại đang gia tăng.  Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 28% trong 5 tháng đầu năm.

Chien tranh thuong mai thuc day dau tu cua Trung Quoc vao Dong Nam A
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam. Ảnh: VN Ngày nay.

Đầu tư của Trung Quốc cũng tăng vọt ở Philippines, chủ yếu do mối quan hệ giữa nồng ấm của 2 nước dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.  Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 29 dự án trong chuyến thăm Manila tháng 11/2018 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo số liệu của chính phủ Philippines, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nước dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Philippines trong năm 2018 với số tiền được phê duyệt là 50,7 tỷ peso (979 triệu USD), tăng gấp 20 lần so với năm trước đó.

"Tôi thấy một sự lo ngại nhất định giữa các công ty Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại", một giám đốc điều hành tại một công ty hậu cần cho biết.  "Họ dường như đang chuẩn bị để họ có thể di chuyển bất cứ khi nào họ cần."

Trong một cuộc họp hội đồng vào tháng trước, Công ty Shenzhen H&T Intelligence, một nhà sản xuất điện tử có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông đã quyết định chi 5 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

"Chúng tôi đang mở rộng sang Việt Nam để toàn cầu hóa, nhưng điều đó cũng giúp chúng tôi tránh được những xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ," Luo Shanshan, giám đốc của H&T nói.

GoerTek, công ty lắp ráp AirPods của Apple, đã được phê duyệt xây dựng nhà máy trị giá 260 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

Nhà sản xuất tivi TCL có kế hoạch bắt đầu hoạt động một nhà máy tại Việt Nam vào khoảng tháng 9, có khả năng sản xuất 3 triệu chiếc mỗi năm. Bên cạnh đó, tập đoàn Lenovo cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy gần Hà Nội, để sản xuất linh kiện máy tính cho thị trường Mỹ.

Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi Washington tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, bao gồm cả đồ nội thất và thiết bị, lên 25% thay vì 10% vào ngày 10/5.

 "Khi thuế ở mức 10%, chúng tôi có thể chịu được bằng cách tăng giá từ 3 đến 5%, nhưng 25% là một con số quá lớn", đại diện một nhà sản xuất Trung Quốc cho biết.

Việc làm và đầu tư ở Trung Quốc có thể sẽ bị gặp áp lực nếu nhiều công ty rời khỏi đất nước. Brooks Running, công ty giày của Mỹ thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway, đã quyết định chuyển sản xuất giày chạy từ Trung Quốc sang Việt Nam – kế hoạch này dẫn đến việc dịch chuyển khoảng 8.000 lao động.  

Nguồn Nikkei Asian Review