Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Vừa đánh, vừa nhìn
Khẩu chiến tiếp diễn
Theo VOA, Chính phủ Trung Quốc ngày 6.4 tuyên bố sẽ "phản kích quyết liệt" nếu Tổng thống Donald Trump xúc tiến kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Mỹ nhắm vào thêm 100 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc nữa, và nói các cuộc đàm phán sẽ không thể xúc tiến trong tình hình hiện tại.
Quyết định bất ngờ của ông Trump trước đó chỉ thị đại diện thương mại Hoa Kỳ xem xét các mức thuế bổ sung được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm đậu nành và máy bay cỡ nhỏ, để đáp trả hành động của Mỹ trong tuần này áp thuế lên 50 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại - nhưng không ngại giao chiến. "Nếu phía Mỹ thông báo danh sách các sản phẩm trị giá 100 tỉ USD thuế nhập khẩu, thì phía Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ và sẽ ngay lập tức phản kích quyết liệt," phát ngôn viên Cao Phong nói.
Đề xuất của ông Trump gia tăng cường độ cuộc đối đầu mà đang dần trở thành cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Các thị trường tài chính toàn cầu đã giảm mạnh khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khẩu chiến về các chiến thuật thương mại quyết liệt của Bắc Kinh. Thị trường lắng dịu vào ngày thứ Tư và thứ Năm với hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra một giải pháp ngoại giao nhưng lại sụt giảm vào thứ Sáu sau khi Bắc Kinh nói sẽ chống trả những đe dọa mới nhất của chính quyền Trump.
"Các tập tục thương mại phi pháp của Trung Quốc - bị Washington lờ đi từ nhiều năm qua - đã hủy hoại hàng ngàn công xưởng và hàng triệu việc làm của Mỹ," ông Trump nói trong một thông cáo công bố quyết định này.Theo Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ thị cho Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xem xét liệu 100 tỉ USD thuế nhập khẩu bổ sung có thỏa đáng hay không và, nếu có, xác định những sản phẩm nên bị đánh thuế. Ông cũng chỉ đạo bộ trưởng nông nghiệp của mình "thực thi kế hoạch bảo vệ nông dân và lợi ích nông nghiệp của chúng ta."
Sự leo thang mới nhất xảy ra sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 25% lên 50 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng cách liệt kê 50 tỉ USD sản phẩm mà họ có thể đánh thuế 25% của riêng họ. Danh sách của Trung Quốc công bố hôm thứ Tư bao gồm đậu nành, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc, và máy bay có trọng lượng lên đến 41 tấn. Nằm trong danh sách này cũng có thịt bò Mỹ, rượu, xe chở khách và các hóa chất công nghiệp.
Trước đó trong tuần này, Bắc Kinh đã loan báo thuế nhập khẩu riêng rẽ nhắm vào 3 tỉ USD hàng hóa Mỹ để đáp lại thuế của chính quyền Trump đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu, kể cả từ Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã nói họ muốn trấn áp tình trạng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông Trump, trong một dòng tweet hôm thứ Sáu, cáo buộc Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi phân xử các tranh chấp thương mại, ủng hộ Trung Quốc. Ông tuyên bố rằng tổ chức này cho siêu cường Châu Á "quá nhiều đặc quyền và lợi thế, đặc biệt là ở Mỹ."
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng cao. |
Các quan chức Mỹ đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của mối đe dọa tranh chấp thương mại lớn hơn, nói rằng một kết quả thông qua đàm phán vẫn khả dĩ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các hành động ăn miếng trả miếng này mang những đặc tính kinh điển của một tranh cãi thương mại mà có thể leo thang. Và căng thẳng đã làm kinh động thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse từ bang Nebraska, một người thường xuyên chỉ trích ông Trump, gọi vụ leo thang áp thuế là "cách ngu ngốc nhất" để trừng phạt Trung Quốc. "Hy vọng rằng Tổng thống nói cho bõ tức, nhưng nếu ông ấy thậm chí nghiêm túc nửa vời, thì chuyện này thật điên rồ," ông Sasse nói trong một phát biểu. "Hãy hoàn toàn đáp trả hành vi xấu của Trung Quốc, nhưng bằng một kế hoạch trừng phạt họ thay vì chúng ta".
Đòn hù mạnh hơn đòn thật
Theo Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp ngoại quốc và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington.
Giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) đại học Tinh Hoa, Bắc Kinh, Mỹ đoán chừng là phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc đọ sức về thương mại này. Washington có thể trông cậy vào nhiều đồng minh để phần nào bù đắp vào chỗ trống do Trung Quốc để lại. Bắc Kinh không có được ngõ thoát hiểm an toàn như Hoa Kỳ. Chuyên gia trường đại học Tinh Hoa Bắc Kinh kết luận : "Chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ gây phương hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ, nhưng còn đối với Trung Quốc, đây là chuyện sống còn".
Có điều Trung Quốc đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ hơn các bước đi hòa hoãn này. Financial Times trích một số nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc cho rằng, có nhiều khả năng thời điểm thuận lợi nói trên là nhân dịp Diễn đàn kinh tế Bát Ngao (8-11/4/2018).
Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã. Tổng thống Trump dùng đòn hù dọa, để cuối cùng buộc đối phương nhượng bộ, như là điều ông đã dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. Nhưng Washington thừa biết Trung Quốc là một đối thủ khó vượt qua hơn.