Các nhà máy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam. Nguồn ảnh: Lao động Thủ đô

 
Minh Anh Chủ Nhật | 12/05/2019 11:40

Chiến tranh thương mại là món quà với Việt Nam?

Các nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục đổ về các khu vực nhà máy của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp bước sang năm thứ 2.

Trang South China Morning Post đã ví von rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một món quà với Việt Nam.

Làn sóng dịch chuyển tăng tốc

Các nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thông qua hành động tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể làm gia tăng dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đã cân nhắc tăng tốc chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á sau khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu áp dụng thuế quan trả đũa lẫn nhau, vì sợ bị ảnh hưởng tiêu cực khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất vào thị trường nước này.

Việt Nam đã trở thành một địa điểm ưa thích cho các nhà đầu tư muốn dích chuyển sản xuất do chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc, và mối đe dọa về thuế quan.

“Cuộc chiến thương mại đang tăng tốc làn sóng dịch chuyển vốn đã và đang diễn ra, cụ thể là sự chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc (đắt đỏ hơn)" ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng tại Mekong Economics tại Hà Nội cho biết.  Ông nói thêm: “Thật khó để nói có bao nhiêu nhà máy mới sẽ phải đến Việt Nam, mà không phải vì chiến tranh thương mại”.

Đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là nghành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động, đã bùng nổ kể từ năm ngoái. Theo số liệu chính thức vào tháng 4, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đã tăng 81% và các khoản góp vốn vào các cơ sở mới tăng tới 215%. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có phải là một món quà?

Xu hướng này được dự đoán sẽ gia tăng trong quý 3 và 4 năm nay khi các nhà máy mới thành lập bắt đầu hoạt động, Maxfield Brown, chuyên gia tại công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp Dezan Shira & Associates tại TP.HCM, nhận định.

Nhưng ông cảnh báo rằng các mạng lưới cơ sở hạ tầng, nguồn lao động và nhà cung cấp địa phương của Việt Nam đều đang dần đạt ngưỡng khi đầu tư tiếp tục tăng lên tại các trung tâm sản xuất quanh TP.HCM và Hà Nội.

Khi mà Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa từ 10% lên 25% vào ngày 10.5, gây lo ngại về một cuộc chiến thương mại vẫn sẽ tiếp diễn. Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi, ông McCarty nói. Nhưng ông cũng nhận định: “Nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ chủ yếu là nhà gia công cho các công ty Trung Quốc trong khâu lắp ráp. Thì họ sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích tại Dragon Capital Hà Nội, cho biết trong khi đầu tư sẽ tiếp tục dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì với quy mô dân số dưới 100 triệu người, chỉ tương đương với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị giới hạn trong việc tiếp nhận dòng chảy.

“Rõ ràng rằng Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới, không có gì phải nghị ngờ về điều này. Nhưng tôi nghĩ rằng sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác nhau sẽ vẫn diễn ra, đặc biệt là sự chuyển sang Việt Nam đang gia tăng”, ông Tuấn nói.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018, mức nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, được thúc đẩy phần lớn bởi 19 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Tuấn cho biết: “Hiện chúng tôi nhận được nhiều đầu tư sản xuất từ ​​Trung Quốc nhưng chủ yếu là những ngành không cần nhiều vốn, vì vậy họ có thể sử dụng nhiều lao động hơn.  Dù vậy, trong tương lai gần, họ không tạo ra một sự gia tăng lớn về vốn FDI vào Việt Nam”.

Nguồn SCMP