Indonesia đang bị thiếu hụt nguồn cung cấp oxy trong bối cảnh nước này liên tục gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters.

 
Minh Duy Thứ Bảy | 24/07/2021 13:40

Chiến lược có thể giúp Đông Nam Á lật ngược tình thế COVID-19

COVID-19 là một thử nghiệm liên tục về "năng lực" các nước Đông Nam Á đang hoạt động.

Theo CNA, Đông Nam Á đang trải qua năm đại dịch thứ hai đầy tàn khốc. Năm 2020, Thái Lan ghi nhận 6.884 ca nhiễm nCoV. Tuy nhiên, tổng số ca nhiễm tại nước này đến nay đã lên tới hơn 453.000 ca, với mức tăng hàng ngày hiện vượt 10.000, cùng khoảng 3.700 ca tử vong.

Malaysia cũng rơi vào tình huống tương tự, khi ghi nhận khoảng 113.000 ca vào năm 2020, nhưng tổng số ca nhiễm và tử vong hiện nay lần lượt là khoảng 965.000 và 7.500.

Trong khi đó, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á Indonesia giờ đây trở thành tâm dịch mới của châu Á. Số ca nhiễm hàng ngày tại nước này hiện vượt cả Ấn Độ, dù dân số chỉ bằng 1/5. Số người chết vì COVID-19 ở Indonesia cũng đang cao nhất toàn cầu, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân bị từ chối nhập viện.

Theo Tiến sĩ Swee Kheng Khor, chuyên gia độc lập về chính sách y tế tại Malaysia, chỉ có 3 nước Đông Nam Á dường như vẫn kiểm soát được đại dịch là Brunei, quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 5.2020, Singapore với số lượng xét nghiệm tương đối cao hơn các nước còn lại và Việt Nam với tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất khu vực.

Tiến sĩ Khor đánh giá có nhiều lý do dẫn đến khác biệt giữa tình hình COVID-19 ở các nước Đông Nam Á.

 

Tại Indonesia, bất chấp các biện pháp hạn chế di chuyển của chính quyền trong 2 năm qua, người dân vẫn tìm mọi cách để né lệnh cấm và trở về quê nhà nhân dịp lễ Eid Al-Fitr của người Hồi giáo hồi tháng 5. Hồi tháng 4, người dân Thái Lan cũng tổ chức lễ hội té nước Songkran.

Cả hai nước này đều ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong khoảng 2 tuần sau đó. "Nỗi mệt mỏi vì đại dịch và việc bỏ lỡ những lễ hội văn hóa lớn nhất trong 2 năm liên tiếp là điều không thể chấp nhận đối với rất nhiều người dân", Tiến sĩ Khor nhận định.

Các biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn cũng được cho là một trong những lý do khiến năm đại dịch thứ hai trở thành thử thách cam go với Đông Nam Á, khi tốc độ virus lây truyền ngày càng nhanh.

Bất chấp loạt khó khăn trước mắt, Đông Nam Á vẫn có cơ hội lật ngược tình thế trong nửa sau của năm 2021.

"Các chiến lược cần được thiết kế tốt hơn, bao gồm những giải pháp hợp logic như thay đổi hành vi người dân, thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, tăng cường xét nghiệm, truy vết và cách ly, hướng đến các biện pháp hạn chế di chuyển ngắn hạn ở những khu vực nhất định, thay vì phong tỏa toàn quốc lâu dài", Chuyên gia y tế của WHO  nêu ý kiến.

Người dân được tiêm vaccine COVID-19 tại ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia, hôm 19.7. Ảnh: Reuters.
Người dân được tiêm vaccine COVID-19 tại ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia, hôm 19.7. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, quá trình thực thi chính sách phải dựa trên bằng chứng, được đầu tư tài chính thích đáng và loại bỏ những thủ tục không cần thiết. Theo ông Khor, các chính sách nên liên kết với cả dịch vụ y tế tư nhân, vốn chiếm 53% ngành y tế tại Đông Nam Á.

Một vấn đề quan trọng là cần tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 càng nhanh càng tốt. Các nước có thể xây dựng những trung tâm tiêm chủng tạm thời, như cách Indonesia tận dụng các nhà thờ ở vùng nông thôn, hay giảm bớt tâm lý ngần ngại vaccine bằng các chính sách như cung cấp thẻ giảm giá ở nhà hàng cho người tiêm chủng, hay tổ chức xổ số tiêm chủng như ở Philippines.

Các nước trong khu vực có thể học tập mô hình hợp tác với lĩnh vực tư nhân trong nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng như ở Malaysia và Singapore, đồng thời theo đuổi phương án tự phát triển vaccine nội địa như Việt Nam và Thái Lan.

"Các nước cũng nên chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế, chính trị, luật pháp và hệ thống quy định cho những vấn đề liên quan đến tiêm chủng, như hộ chiếu vaccine và xét nghiệm kháng thể", ông Khor nhận định.

Các nước Đông Nam Á còn cần hợp tác tốt hơn và vươn tầm nhìn ra khỏi biên giới để tìm kiếm giải pháp. Một hệ thống mua sắm vaccine chung có thể hữu ích, mô phỏng theo Quỹ Xoay vòng của Tổ chức Y tế Liên Mỹ, đây là việc các nước cùng mua vaccine có thể giúp giảm chi phí, cải thiện tính bình đẳng và tăng sức mạnh đàm phán với các hãng dược phẩm.

Đông Nam Á còn có thể tham gia tích cực hơn vào cuộc thảo luận toàn cầu về công bằng vaccine và cải cách quản lý y tế, đồng thời thúc đẩy nỗ lực miễn trừ bằng sáng chế và chuyển giao công nghệ đối với những mặt hàng y tế liên quan đến COVID-19. Điều này sẽ mở đường cho một số nước sản xuất vaccine để sử dụng trong khu vực.

"Các quốc gia Đông Nam Á có thể phục hồi trong nửa sau của năm 2021 bằng cách tiếp thu tốt hơn những bài học từ năm ngoái. Quá trình phục hồi sẽ phụ thuộc vào nhận thức khoa học, khả năng đánh giá và chống lại sự tự mãn", Tiến sĩ Khor kết luận.

Có thể bạn quan tâm:

Khoảng 2/3 dân số Ấn Độ có kháng thể COVID-19