Với sự tăng lên của mức lương từ các công việc bán thời gian, sinh viên Nhật Bản có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho sở thích cá nhân. Ảnh: Nikkei Asia.
Chi tiêu giải trí của sinh viên Nhật Bản tăng vọt
Chi tiêu cho sở thích và hoạt động giải trí của sinh viên đại học tại Nhật Bản đang trở thành một hiện tượng đáng chú ý, khi phục hồi lên mức kỷ lục của 30 năm trước, thời kỳ bùng nổ kinh tế bong bóng, nhờ vào mức lương cao hơn từ các công việc bán thời gian, theo một khảo sát của nhóm hợp tác xã đại học.
Với sự tăng lên của mức lương từ các công việc bán thời gian, sinh viên hiện nay có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho sở thích cá nhân. Thay vì mua xe hơi và các sản phẩm thương hiệu như thế hệ sinh viên thập niên 1990, họ thích tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ, như tham dự các buổi hòa nhạc.
Khảo sát hàng năm của Liên đoàn Hợp tác xã Đại học Quốc gia cho thấy, sinh viên tại các trường đại học công lập và tư thục, sống ở ký túc xá và các nơi xa nhà, đã chi trung bình 12.840 yên (khoảng 87,70 USD) mỗi tháng cho văn hóa và giải trí. Đây là mức tiêu dùng gần đạt đỉnh 13.390 yên vào năm 1992, khi mà sự phát triển kinh tế ở Nhật Bản đang trên đà tăng cao.
Số tiền chi tiêu cho giải trí của sinh viên đã giảm mạnh trong nửa cuối những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu lan rộng vào năm 2008. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi tiêu cho giải trí của sinh viên đại học đã phục hồi mạnh mẽ, trừ những năm đại dịch gây ảnh hưởng lớn.
Nhưng việc tăng chi tiêu cho sở thích không chỉ đến từ việc cắt giảm chi phí ở các lĩnh vực khác. Mặc dù chi tiêu cho thực phẩm giảm gần 20% và cho quần áo, mỹ phẩm giảm gần 40%, thì chi tiêu cho nhà ở, khoản chi lớn nhất của sinh viên, đã tăng hơn 30% kể từ năm 1990.
Trung bình, các khoản trợ cấp từ gia đình giảm còn khoảng 70.000 yên mỗi tháng, giảm khoảng 30% so với đỉnh điểm gần đây nhất vào năm 1996. Các bậc phụ huynh nhìn chung có ít khả năng tài chính để hỗ trợ con cái học đại học, vì học phí tại các trường đại học tư thục vào năm tài chính 2023 cao gấp 1,9 lần so với năm tài chính 1986, khi nền kinh tế bong bóng bắt đầu bùng nổ ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, lương từ công việc bán thời gian đang có xu hướng tăng vọt, giúp bù đắp cho thiếu hụt tài chính của sinh viên. Mức lương theo giờ đã tăng lên khoảng 1.100 đến 1.200 yên vào năm 2023, so với khoảng 700 đến 800 yên vào năm 1990. Sinh viên đại học kiếm trung bình khoảng 36.000 yên mỗi tháng vào năm 2023, tăng gần 10,000 yên so với những năm 1990. “Mặc dù không phải không có căng thẳng tài chính, nhưng sinh viên đang tận hưởng một chút xa xỉ trong cuộc sống hàng ngày”, bà Akemi Natsuyama, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Đời sống và Sống Hakuhodo, cho biết.
Một sinh viên nữ 21 tuổi tại một trường đại học ở Tokyo nhận trợ cấp hàng tháng 90.000 yên từ cha mẹ. Khoản tiền này bao gồm cả tiền điện nước và tiền ăn uống, nhưng không đủ để chi trả cho việc giải trí. Nhưng với việc kiếm được 100.000 yên mỗi tháng từ công việc làm thêm tại nhà hàng và thực tập tại công ty, cô có thể trang trải chi phí sinh hoạt và còn có đủ tiền để chi tiêu cho các buổi hòa nhạc. "Đối với tôi, các buổi biểu diễn trực tiếp có giá trị hơn so với việc mua sắm," cô chia sẻ.
Khảo sát năm 2021 của Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng cho thấy hơn 16% người trong độ tuổi cuối tuổi teen và 20 lựa chọn trải nghiệm như các buổi hòa nhạc và gặp gỡ nghệ sĩ trong chi tiêu tự do. Đây là tỉ lệ cao hơn so với mức trung bình 6,6% cho tất cả các đối tượng tham gia khảo sát.
Ngược lại, chi tiêu cho xe hơi đã giảm mạnh giới trẻ Nhật Bản. Trong một khảo sát năm 2022 của công ty quảng cáo Hakuhodo, chỉ có 7,8% người trong độ tuổi 20 cho biết họ chi tiền mua xe, giảm so với 27,8% vào năm 1992.
Điều này làm nổi bật xu hướng thay đổi trong ưu tiên chi tiêu của giới trẻ Nhật Bản trong suốt 30 năm qua, từ hàng hóa như xe hơi và sản phẩm thương hiệu sang "tiêu dùng thời gian" như tham gia sự kiện âm nhạc. “Giờ đây, với tốc độ sử dụng mạng xã hội nhanh chóng, tỉ lệ những người theo đuổi trải nghiệm thực tế đã tăng lên. Họ thích thú với những cảm giác phấn khích mà chỉ có thể cảm nhận được khi tham gia trực tiếp”, bà Natsuyama cho biết.
Sách trắng kinh tế của chính phủ năm 1993 mô tả xu hướng chi tiêu chung vào thời điểm đó: “Mọi người mua hàng hóa dựa vào sự ảnh hưởng từ những người xung quanh mua chúng”. Tuy nhiên, trong thời đại hiện tại, một xu hướng lớn khó có thể được tạo ra từ một sản phẩm đơn lẻ vì mô hình tiêu dùng đã đa dạng hóa.
Mặc dù lương thu nhập đã có xu hướng tăng lên, nhưng tương lai vẫn tiềm ẩn những khó khăn và không ổn định, như là sự gia tăng giá cả. Bởi vậy, sinh viên ngày nay đã trở thành những người tiêu dùng kỹ tính hơn bao giờ hết.
“Trong bối cảnh lo ngại về tương lai, sinh viên không lãng phí tiền bạc cho các sản phẩm đắt đỏ mà họ tập trung vào việc đánh giá xem chúng có mang lại sự hài lòng hay không”, Giáo sư xã hội học Masahiro Yamada, Đại học Chuo, nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn Nikkei Asia