Thứ Hai | 02/06/2014 06:58

Chỉ số quản lý sức mua của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng

Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc tháng 5 tăng lên 50,8 điểm từ 50,4 của tháng 4, cao hơn mức dự đoán 50,6 của thị trường.
Hoạt động sản xuất nhà máy tại Trung Quốc tháng 5 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng qua nhờ số lượng đơn hàng mới tăng, củng cố quan điểm rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong quý II năm nay sau các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm 1/6, Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) tăng lên 50,8 điểm trong tháng 5 từ 50,4 của tháng 4, cao hơn mức dự đoán 50,6 của thị trường.

Zhang Liqun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, cho biết “Chỉ số PMI tiếp tục cải thiện trong tháng 5 cho thấy xu hướng ổn định hóa kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn”.


Đóng vai trò của một trong những chỉ số hàng đầu đo lường đà phục hồi kinh tế, chỉ số PMI tăng lên có thể cho thấy tín hiệu tích cực về các số liệu khác trong tháng 5, làm tăng dự đoán của thị trường rằng nền kinh tế đang khỏe lại khi các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ bắt đầu có tác dụng.

Cuộc khảo sát chính thức cho thấy sự hồi phục của hoạt động sản xuất trong tháng 5 với 9 trong số 13 danh mục con (sub-index) có sự tiến bộ so với tháng trước.

Danh mục con về các đơn hàng mới, thước đo nhu cầu trong và ngoài nước, tăng lên 52,3 điểm trong tháng 5 từ 51,2 của tháng 4, đánh dấu mức cao nhất từ tháng 11 năm ngoái.
Dữ liệu PMI cũng cho thấy các đơn hàng xuất khẩu tăng lên 49,3 trong tháng 5 từ 49,1 của tháng 4, mặc dù vẫn thấp hơn ngưỡng 50.

Chính sách hỗ trợ

Bắc Kinh đã tiến hành điều chỉnh chính sách trong những tuần gần đây và công khai một số biện pháp mục tiêu trong năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế - vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng qua trong quý I và được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 24 năm.

Wang Tao, nhà kinh tế học tại UBS cho biết “Rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và muốn tăng hơn nữa sự hỗ trợ chính sách”.

Chính phủ Trung Quốc hôm thứ 6 (30/5) đã công bố các biện pháp nới lỏng giúp hạ thấp chi phí tài trợ vốn và giảm gắng nặng cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hơn nữa nền kinh tế.

Các biện pháp này bao gồm cả việc hạ thấp yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, tăng quy mô tái cho vay và phát hành trái phiếu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cắt giảm hơn nữa chi phí hành chính cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã thúc giục các ban ngành địa phương đẩy nhanh tốc độ phân phối ngân sách nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm và thúc đẩy nền kinh tế.

Các động thái chính sách này cùng với các biện pháp trước đó như thúc đẩy việc xây dựng hệ thống đường sắt và nhà ở công cộng, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế, mặc dù các quan chức và nhà kinh tế học cảnh báo rằng vẫn còn áp lực tiêu cực.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bác bỏ khả năng tung ra bất kỳ gói kích thích nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi tuyên bố chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn và tiến hành cải cách cơ cấu.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay và cuộc khảo sát của Reuters cho thấy các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng sẽ đạt 7,3%.

Nguồn Theo DVO/Reuters


Sự kiện