Chỉ số kinh tế Mỹ khiến Fed tiến thoái lưỡng nan
Với những người ủng hộ việc thắt chặt tiền tệ như Chủ tịch Fed St Louis James Bullard, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng hơn bao giờ hết để Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua. "Thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ và hy vọng GDP cũng vậy", ông Bullard cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 28/8 vừa qua.
Nhưng liệu quan điểm này có trở nên rõ ràng hơn trong phiên họp ngày 17/9 hay không - phiên họp được chờ đợi nhất kể từ khi bà Janet Yellen nắm giữ chức Chủ tịch Fed hồi tháng 2/2014.
Bà Yellen từng cho rằng năm nay là thời điểm "thích hợp" để nâng lãi suất, nếu không phải vào tháng 9 thì cũng là một tháng khác từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, nhiều quan chức Fed đang phải phân tích một bức tranh rất phức tạp.
Tại Mỹ, rất nhiều chỉ số kinh tế như doanh số bán ôtô hay giá bất động sản, đang tăng vọt. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống thấp kỷ lục và các công ty cũng đang tăng cường tuyển dụng.
Tuy nhiên, bóng ma lạm phát thấp vẫn đang lơ lửng trên đầu các nền kinh tế mới nổi, các thị trường tài chính vẫn biến động và lĩnh vực xuất khẩu Mỹ vẫn đang chật vật vì USD mạnh lên. Một khảo sát của Fed cũng cho thấy lạm phát tại Mỹ hầu như không nhích lên, trong khi lương nhân công vẫn chưa tăng.
Peter Bowe, Giám đốc một nhà máy 130 tuổi Ellicott Dredges tại Maryland, cho biết, việc Fed tăng lãi suất sẽ là viên thuốc khó nuốt với ông. Chi phí đi vay của các khách hàng công ty ông sẽ tăng. USD mạnh chưa bao giờ được những hãng xuất khẩu như ông chào đón.
Dù vậy, kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng cũng khiến doanh thu công ty ông đi lên và hưởng lợi từ việc cung cấp máy hút bùn trong dự án mở rộng kênh đào Panama. Lần đầu tiên trong một thập kỷ, doanh thu nội địa tăng vượt các thị trường mới nổi. Ngành xây dựng đang hồi sinh tại Mỹ. Chi tiêu chính phủ cho dự án giao thông và thủy lợi cao nhất 7 năm qua.
Rick Rieder, phụ trách đầu tư tại BlackRock, cho rằng các chỉ số của Mỹ đều đang phát tín hiệu Fed cần hành động. Ông cho rằng mối lo hiện tại là thị trường tài chính bị bóp méo do lãi suất quá thấp, khiến nợ doanh nghiệp tăng, hơn là lạm phát không đạt như kỳ vọng.
"Trong khi cả thế giới đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng thì Mỹ đang thể hiện rất tốt. Fed đã có thể nâng lãi suất từ tháng 3 chứ đừng nói là tháng 9 này", ông Rieder nói.
Một bằng chứng chắc chắn nhất thể hiện sự phục hồi của Mỹ là chỉ số tiêu dùng. Các số liệu trong tuần trước cho thấy số ôtô bán ra tăng lên 17,7 triệu xe - cao nhất trong thập kỷ qua.
Jack Fitzgerald, nhà sáng lập Fitzgerald Auto Mall, với thâm niên 50 năm trong nghề, cho biết, doanh số bán hàng đã tăng "đáng kể".
Hoạt động tài chính dễ dàng hơn nhờ các ngân hàng, dân số mở rộng, tầng lớp trẻ thay thế những tư duy cũ kỹ thúc đẩy nhu cầu phát triển và một nền kinh tế năng động, mạnh mẽ hơn. Đó là những gì mà vị tiền bối của Fitzgerald Auto Mall đã nhìn thấy ở sự chuyển mình của Mỹ trong 4 năm nay.
Ông Fitzgerald cũng cho biết rằng, Fed sẽ cần tăng lãi suất thêm hơn 0,33% để "răn đe" những người mua xe hơi. Con số này được tính toán theo mô hình kinh tế được xây dựng lên bởi các nhà kinh tế trường đại học Oxford. Theo đó, cứ mỗi 1% lãi suất tăng sẽ làm giảm 0,1% GDP năm 2016.
Tuy nhiên, vấn đề là thị trường sẽ phản ứng ra sao với quyết định của Fed. Rất khó để dự đoán thị trường sẽ phản ứng như thế nào nhưng chắc chắn nó sẽ rất dữ dội trong lần tăng đầu tiên. Một khi các nhà xuất nhập khẩu bị lần tăng lãi suất này làm cho choáng váng thì thị trường thế giới và nền kinh tế Mỹ sẽ bị phá hủy nghiêm trọng.
Tuần trước Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo về khủng hoảng tài chính đi kèm với một số rủi ro suy thoái, giới thương nhân không đặt nhiều hy vọng vào động thái thay đổi trong tháng 9. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ giảm và giá hàng hóa đồng loạt giảm, điều đó có nghĩa là nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nơi mà tốc độ lạm phát liên tục không tuân theo dự báo.
Nỗi lo sợ về những hậu quả chưa thể đoán trước chính là lý do vì sao Fed đang chịu sức ép từ các chính trị gia rằng nên hoãn tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh lương nhân công tại Mỹ chưa tăng.
Dawn O’Neal, trợ giảng với thu nhập 8,5 USD/giờ, đã tham gia một cuộc biểu tình tháng trước, kêu gọi giữ nguyên lãi suất gần 0% do lương hàng triệu người dân Mỹ vẫn chưa tăng.
"Cuộc sống của chúng tôi đang rất khó khăn, chẳng thể nào duy trì nổi thu nhập cho đến cuối tháng. Nếu Fed nâng lãi suất, tương lai của chúng tôi sẽ thế nào?", cô nói.
Ngược lại, Fed tỏ ra lạc quan với mô hình kinh tế của mình. Theo đó, tỷ lệ có việc làm của Mỹ sẽ đạt tối đa. Tiền lương tăng cùng với lãi suất chắc chắn tăng theo. Để cân bằng những yếu tố xung khắc là điều không tưởng.
Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer cũng kêu gọi hành động tại các cuộc họp trước đây. Ông cho rằng nếu giới chức đợi đến khi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ tăng lãi suất, tình hình đã trở nên quá muộn rồi.
Nhật Trường
Nguồn FT