Sự sụt giảm giá sản xuất phần lớn là do sự sụt giảm của giá dầu và nhu cầu hàng hóa. Ảnh: Reuters

 
Thái Bình Thứ Tư | 13/05/2020 09:27

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 thấp nhất trong 4 năm qua

Nhu cầu công nghiệp giảm khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lao đao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 12.5, chỉ số giá sản xuất (PPI), giá hàng hóa xuất xưởng của nước này trong tháng 4 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. So với tháng 3, chỉ số PPI của tháng 4 giảm 1,3%.

Trung Quốc đang cố gắng phục hồi từ sự thu hẹp kinh tế từ giai đoạn từ tháng 1-3, khi nền kinh tế bị tê liệt do dịch COVID-19 khiến hơn 4.600 người Trung Quốc thiệt mạng. Nhưng sự lây lan của dịch bệnh đã vượt ra ngoài quốc gia này và đe doạ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

"Tốc độ giá sản xuất giảm nhanh hơn thị trường dự kiến, điều này đòi hỏi các biện pháp mạnh hơn để thúc đẩy nhu cầu", ông Wen Bin, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Minsheng, Bắc Kinh cho hay.

Nhà phân tích Julian Evans - Pritchard của Capital Economics nhận định đây là mức giảm hàng tháng sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động mạnh của đại dịch, đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước. 

Trung Quốc đang cố gắng phục hồi từ sự thu hẹp kinh tế từ giai đoạn từ tháng 1 - tháng 3. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đang cố gắng phục hồi từ sự thu hẹp kinh tế từ giai đoạn từ tháng 1-3. Ảnh: Reuters

Cú sốc kinh tế do đại dịch khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh, buộc các công ty phải bán sản phẩm với giá rẻ hơn, khiến lợi nhuận sụt giảm và cản trở triển vọng phát triển của các doanh nghiệp

Đại dịch đã làm tê liệt lượng cầu của thế giới và khiến nhiều nền kinh tế giảm phát, nhiều nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết sự sụt giảm giá sản xuất phần lớn là do giá dầu và nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm. Gần 60% giảm phát đến từ khai thác và chế biến nhiên liệu và sản xuất hóa chất.

Trong số 40 ngành nghề công nghiệp được khảo sát, các ngành khai thác dầu và khí đốt tự nhiên giảm mạnh nhất, 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng khiến giới phân tích thêm lo ngại về triển vọng phục hồi tại nền kinh tế thứ 2 thế giới sau dịch COVID-19.

Các nhà sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong các đơn hàng từ nước ngoài và phải đối mặt với số lượng hàng tồn kho cao, lợi nhuận giảm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm nhân lực để giảm chi phí.

Trong lúc này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ kinh tế, các ngân hàng đã gia hạn 1,7 ngàn tỉ nhân dân tệ (tương đương với 240,05 tỉ USD) cho các khoản vay mới trong tháng 4.

Trước đó một tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 4,3%, nguyên nhân là do giá thực phẩm, chiếm gần 30% số mặt hàng trong công thức tính CPI, giảm 3% trong tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm vẫn là yếu tố chính định hình lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng.

 

Chốt phiên giao dịch sáng 12.5, nhiều chỉ số chứng khoán Trung Quốc đồng loạt giảm khi ngày càng nhiều quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại quốc gia này và những dữ liệu thống kê không mấy khả quan kể trên. 

Nguồn Theo QA, VTV/ Reuters