Khoảng 65% chi phí vay nợ tăng thêm sẽ được thanh toán bằng trái phiếu lãi suất cố định và các khoản vay khi đến kỳ đáo hạn. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 19/01/2023 13:14

Chi phí lãi vay toàn cầu tăng thêm khoảng 8.600 tỉ USD

Theo S&P Global Ratings, việc các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất có thể khiến người vay trên toàn cầu gánh thêm khoản chi phí lãi vay 8.600 tỉ USD.

Theo ước tính của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, việc các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất có thể khiến các con nợ, nhất là những người vay để đầu tư vào bất động sản, phải gánh thêm khoản chi phí lãi vay lên tới 8.600 tỉ USD trong vài năm tới và hậu quả là hoạt động kinh tế giảm tốc.

Mức phí bổ sung trên được S&P ước tính trên cơ sở tính lãi suất tăng 3 điểm % cho khoản nợ 300.000 tỉ USD trên toàn cầu. Khoảng 65% chi phí vay nợ tăng thêm sẽ được thanh toán bằng trái phiếu lãi suất cố định và các khoản vay khi đến kỳ đáo hạn.

 

Công ty nghiên cứu tài chính này cũng đưa ra dự báo tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu, theo đó trong trường hợp xấu nhất, tỷ lệ này sẽ tăng từ 349% ghi nhận hồi tháng 6/2022 lên 391% vào năm 2030.

S&P Global Ratings một lần nữa cảnh báo giới hoạch định chính sách và các thể chế tài chính đa phương về tác động của chi phí lãi vay cao hơn đối với các nền kinh tế và công ty vốn đã mong manh, cũng như các gia đình đang gặp khó khăn. Điển hình là tại Canada, Viện C.D. Howe vừa công bố một báo cáo ước tính tổng thua lỗ trong 2-3 năm tới của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) sẽ tới 3,6-8,8 tỉ CAD (1 CAD trị giá khoảng 0,783 USD).

Trong năm 2022, các Ngân hàng Trung ương lớn của thế giới đã tăng con số kỷ lục 2.700 điểm cơ bản lãi suất để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giới chuyên gia ngày càng quan ngại về chi phí đi vay tăng cao có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhấn mạnh các nước nghèo nhất thế giới hiện đang mắc nợ 62 tỉ USD chi phí lãi vay hằng năm cho các chủ nợ chính thức, tức tăng 35% trong năm qua, làm dấy lên mối lo ngại về xu hướng vỡ nợ không thể kiểm soát.

Tháng 9/2022, Nhóm dễ bị tổn thương (V20) gồm 55 nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu dự báo chi phí lãi vay của họ sẽ tăng đáng kể.

Có thể bạn quan tâm:

Dư nợ margin sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023