Ukraine từng chiếm hơn 80% tổng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Bảo Hân Thứ Sáu | 02/06/2023 19:00

Chế độ ăn của người Trung Quốc quá lệ thuộc vào phương Tây?

Thị trường ngô gián đoạn vì chiến tranh đã thuyết phục Chủ tịch Tập rằng khả năng tự cung tự cấp lương thực cũng quan trọng như tự chủ về công nghệ.

"Trả lại rừng cho đất canh tác" là một khẩu hiệu thịnh hành trên internet Trung Quốc những ngày này. Các video clip về công viên và rừng bị biến thành đất nông nghiệp đang lan truyền chóng mặt.

Nhưng thực tế hiện tại khác hoàn toàn với không lâu trước đây, khi mà chính sách cơ bản của chính phủ trong hai thập kỷ qua là: “Trả đất canh tác lại cho rừng”.

Phủ xanh hay canh tác?

Vào những năm 1990, học giả người Mỹ Lester Brown đã đăng một bài báo trên tạp chí World Watch với tiêu đề "Ai sẽ nuôi sống Trung Quốc?", bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu lương thực của nước này.

Vào thời điểm đó, xét về khía cạnh môi trường, Trung Quốc cần ngăn chặn sa mạc hóa. Đây cũng là một phần của chính sách xã hội và công nghiệp, nhằm di chuyển người dân từ các làng nông nghiệp đông dân đến các khu công nghiệp mở rộng gần các thành phố ven biển.

Chính sách từ trang trại đến rừng được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, người đi đầu trong chiến dịch phát triển xanh, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Cho đến những tháng gần đây, cục diện lại một lần nữa thay đổi. Theo lời của ông Tập, thế giới đang chứng kiến ​​“những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ”.

Yếu tố ngoại tác

Các học giả và trí thức cho rằng việc chuyển sang sản xuất nhiều lương thực hơn của Trung Quốc được kích hoạt bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, một nỗ lực của 14 quốc gia thành viên nhằm xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, cũng khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bận tâm.

Vấn đề lớn nhất với Trung Quốc có lẽ là cuộc chiến Ukraine. Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào cường quốc nông nghiệp Ukraine về ngô, một trong ba loại ngũ cốc chính, cùng với gạo và lúa mì. Và không chỉ là lương thực quan trọng, ngô còn là thức ăn chính trong chăn nuôi ở Trung Quốc, ngô nhập khẩu được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi lợn, một ngành mang lại lợi nhuận lớn cho nước này.

Ngô không chỉ là lương thực trọng yếu mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ngô không chỉ là lương thực trọng yếu mà còn được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi lợn tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một cách ngẫu nhiên, người Trung Quốc bắt đầu thích ăn hạt hướng dương. Mà một lượng đáng kể hạt hướng dương đã được nhập khẩu vào Trung Quốc từ Ukraine.

Nhu cầu phụ thuộc

Ukraine từng chiếm hơn 80% tổng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu ngô của Trung Quốc từ Mỹ cũng từng tăng mạnh theo một thỏa thuận đạt được với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. 

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, nhập khẩu ngô tổng thể của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 27%.

Nhưng cú hích lớn gấp 3 lần đối với Trung Quốc là: Một số hợp đồng với Mỹ hết hạn vào năm 2022. Nhập khẩu từ Ukraine giảm mạnh do cuộc chiến với Nga. Chưa hết, giá ngũ cốc quốc tế còn tăng hơn gấp đôi.

Trong khi đó, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng khi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

Đồng thời, nước này cũng đã từ bỏ việc trồng đậu tương, vì không thể sản xuất được với giá cạnh tranh. Trung Quốc hiện dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 85% tổng nhu cầu đậu tương nội địa. Ở khía cạnh này, Mỹ một lần nữa lại là nhà cung cấp chiếm ưu thế.

Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tự túc lương thực đủ cao. Nhưng khi người Trung Quốc kiếm được nhiều tiền hơn, chế độ ăn uống của họ dần bị Tây hóa và lượng thịt nhập khẩu tăng vọt.

Có trồng mới có ăn

Quyết định tăng sản lượng lương thực của Trung Quốc có thể được nhìn thấy vào tháng 3, khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường gửi báo cáo tới phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông tuyên bố rằng, bằng cách đảm bảo diện tích trồng trọt, nước này sẽ tăng năng lực sản xuất ngũ cốc lên 50 triệu tấn.

Để đạt được điều đó, nhiều khu rừng mới sẽ phải được khai hoang làm đất canh tác.

Tìm kiếm nông dân là một vấn đề khác, để giải quyết tình trạng thiếu lao động này, Trung Quốc đã ban hành chính sách gửi những người trẻ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến các làng nông nghiệp, trái ngược với cuộc "di cư" diễn ra vào đầu thế kỷ này.

Những nỗ lực này đã được tiến hành và số lượng đất nông nghiệp đang mở rộng trên khắp Trung Quốc.

Vì xét cho cùng, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về lương thực, một tình trạng không thể thay đổi trong một sớm một chiều, ngay cả khi Trung Quốc đẩy nhanh việc khai hoang rừng làm đất nông nghiệp và tăng sản lượng ngũ cốc.

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc nhập khẩu gần 1 triệu tấn sầu riêng Việt Nam 1 năm

Nguồn Nikkei Asia