Thứ Ba | 15/05/2012 11:29

Châu Phi vẫn tăng trưởng bền vững bất chấp khủng hoảng toàn cầu

Dù môi trường kinh tế toàn cầu suy yếu, khu vực châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 14/5 nhận định.
Theo đánh giá mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực châu Phi tiểu vùng sa mạc Sahara sẽ tăng nhẹ từ mức trung bình 5% trong năm 2011.

Đánh giá cũng lưu ý rằng, trong thời gian qua khu vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi được "miễn nhiễm" khỏi những yếu tố tiêu cực đang ảnh hưởng tới kinh tế của nước phát triển. IMF cũng nhấn mạnh rằng khu vực này đang hưởng lợi từ một số yếu tố có lợi như sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên đang bước vào giai đoạn tích cực và hạn hán cùng xung đột dân sự tại khu vực Tây Phi chấm dứt.

Về triển vọng tăng trưởng, IMF cho rằng sức tăng trưởng từ nhu cầu trong nước của khu vực châu Phi cận Sahara là tương đối ổn định trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng này là không đồng đều. Một số quốc gia thu nhập trung bình, đặc biệt là tại khu vực Nam Phi, đang có dấu hiệu kém mạnh mẽ hơn do những nước này khá dễ tổn thương trước những diễn biến của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những diễn biến tại châu Âu.

Ngược lại, các nước sản xuất dầu lại có được sự tăng trưởng mạnh mẽ do tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, như Angola hay sản lượng dầu cao nhu Nigeria và Chad. Cuối cùng, các nước có thu nhập thấp dự kiến sẽ tiếp tục hưởng sự tăng trưởng mạnh mẽ vào khoảng 5,5%, IMF cho biết.

Bên cạnh những đánh giá về triển vọng, IMF cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi của hệ thống tài chính châu Phi cận Sahara. Trong khi niềm tin tại châu Âu đang lung lay do nợ chính phủ cao quá mức và các hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng dễ thương tổn, thì hệ thống tài chính châu Phi cận Sahara cho đến nay gần như cách li với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo IMF, những bất ổn trong thị trường tài chính khu vực châu Âu có thể gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư của châu Phi. Song chúng chỉ làm chậm chứ không thể phá hoại sự tăng trưởng của các quốc gia đó.

Đối với áp lực lạm phát, IMF đánh giá rằng trong năm qua, một số quốc gia Đông Phi đã phải hứng chịu tình trạng lạm phát tăng vọt và duy trì ở mức cao trong nhiều năm. Nguyên nhân chính là do giá thực phẩm tăng cao bất chấp thu hoạch dồi dào ở nhiều địa phương.

Theo IMF, trong tương lai, các nước châu Phi nên chú trọng đến chính sách tiền tệ, trong đó tập trung vào khôi phục sự ổn định của giá cả.

Nguồn Leadership/DVT


Sự kiện