Châu Phi: Thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc đang khai phá?
Hiện tại, số người Hoa cư trú tại châu Phi ước tính là 1 triệu người, tăng vài nghìn người so với thập kỷ trước, và sẽ còn tiếp tục tăng. Du khách Trung Quốc xếp thứ 4 trong tổng lượng khách đến châu Phi. Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tới Tanzania và Cộng hòa dân chủ Congo trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị mới.
Lý do Trung Quốc quan tâm đến Châu Phi dễ dàng nhận ra là nguồn nguyên liệu thô dồi dào giữa sa mạc Sahara và Kalahari.Trung Quốc gần đây đã vượt Mỹ, trở thành quốc gia nhập khẩu ròng dầu lớn nhất thế giới. Xét đến mối quan hệ với châu Phi, gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi là khoáng sản. Trung Quốc là đối tác hàng đầu của châu Phi với giá trị thương mại hơn 166 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng giá trị này ngoài khoáng sản còn bao gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác, trong đó máy móc chiếm tới 29%.
Quy mô đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi khó tính toán hơn thương mại. Mùa hè năm 2012, bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Trần Đức Minh đưa ra con số hơn 14,7 tỷ USD, tăng 60% từ năm 2009. Cũng trong thời điểm đó, ông Điền Học Quân đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi cho biết: “Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi rất đa dạng với giá trị hơn 40 tỷ USD”. Hiển nhiên, số liệu đầu tiên là con số báo cáo cho chính phủ. Số liệu thứ hai được ước tính bao gồm cả các dòng vốn Trung quốc không chịu thuế được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới.
Cho tới gần đây, Trung Quốc chỉ tập trung đầu tư vào các quốc gia dồi dào nguồn lực như Algeria, Nigeria, Nam Phi, Sudan và Zambia. Hiện nay, các quốc gia gần như không có hoặc khó có thể khai thác tài nguyên như Ethiopia và Congo cũng ngày càng được quan tâm khi các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển sang các lĩnh vực phi tài nguyên khoáng sản. Với sức hút là lợi nhuận cận biên cao, doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia cạnh tranh với các hãng tư nhân. Các quỹ đầu tư tư nhân non trẻ của Trung Quốc cũng tới châu Phi.
Tuy nhiên, các chính phủ châu Phi đã thể hiện một số động thái ngạc nhiên nhằm chứng minh châu Phi không dễ bị khuất phục. Tháng 2/2012, quốc gia châu Phi non trẻ Nam Sudan đã trục xuất Lưu Anh Tài (Liu Yingcai) – người đứng đầu khu vực của Petrodar, công ty liên doanh dầu lửa Trung Quốc – Malaysia và là khách hàng lớn nhất của chính phủ vì bị cáo buộc thông đồng với Sudan để “trộm” 815 triệu USD dầu của Nam Sudan.
Tiếp đó, Congo trục xuất hai thương gia không trung thực tại khu vực Rivu. Tòa án Algerian ra lệnh cấm hai doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các gói thầu công với cáo buộc tham nhũng. Tại Gabon, các giao dịch tài nguyên không có lợi đã bị hủy bỏ. Các tổ chức bảo vệ môi trường tại Kenya và Nam Phi cũng đang yêu cầu Trung Quốc dừng việc buôn bán ngà voi và sừng tê giác.
Châu Phi nhận định Trung Quốc là đối tác lớn nhất trong khối các quốc gia mới nổi, tuy nhiên không phải là đối tác duy nhất. Brazil, Nga và Ấn Độ (thuộc khối BRICS), cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác đang đi theo con đường của Trung Quốc.
Giao dịch của các công ty Ấn Độ trị giá khoảng 1/3 giá trị thương mại Trung – Phi, một số nguồn tin còn ước tính tỷ trọng này lên tới 50%. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các lãnh đạo khối BRICS có cuộc họp tại Nam Phi vào ngày 26 và 27/3 vừa qua, tại đây, họ đều là đối thủ cạnh tranh.
Hình ảnh Trung Quốc tại châu Phi từng bị nghi ngờ nay đamg dần thay đổi. Các thương nhân châu Phi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ.
Tại Malawi, Tanzania, Uganda và Zambia, các quy định mới được ban hành nhằm hạn chế sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người châu Phi khẳng định chính người Trung Quốc đã tạo ra việc làm, truyền đạt kỹ năng và chi tiền cho kinh tế địa phương. Tại các quốc gia nhỏ nơi lo sợ đe dọa từ Trung Quốc nhiều nhất, sự thay đổi này càng rõ rệt.
Tổng thống Zambia Michael Sata, một người chỉ trích Trung Quốc lâu năm, cũng đã thay đổi quan điểm từ năm 2011. Năm 2012, ông đã giáng cấp bộ trưởng Lao động, người chống đối lại lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cũng cử Phó tổng thống của Zambia sang Bắc Kinh để đàm phán quan hệ giữa hai đảng cầm quyền hai nước.
Các mối lo ngại khác về sự hiện diện ngày càng phổ biến của Trung Quốc đang dần trở nên rõ nét. Đây không phải là xung đột vũ trang, mà ngược lại, Trung Quốc đôi khi còn giữ vai trò làm sứ giả hòa bình, mặc dù thực chất là vì lợi ích riêng. Khi Sudan và Nam Sudan, 2 đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, đang trên bờ vực chiến tranh vào năm ngoái, Trung Quốc đã can thiệp bằng biện pháp ngoại giao cùng với các chính quyền khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc không được lòng các nền kinh tế lớn tại châu Phi. Jacob Zuma, Tổng thống Nam Phi, người đã xây dựng quan hệ lâu năm với Trung Quốc, năm ngoái đã bị phe đối lập trong nước yêu cầu thay đổi thái độ. Tại Nigeria, thống đốc ngân hàng trung ương cũng đã gắt gao chỉ trích Trung Quốc vì “chủ nghĩa thực dân”. Đây là điều khiến Nigeria và Nam Phi bị các quốc gia châu Phi khác mỉa mai do trong quá khứ, hai quốc gia này cũng đã từng có ý định như vậy khi thâm nhập vào các thị trường láng giềng khác.
Nguồn Khampha/Economist