Thứ Năm | 09/08/2012 15:10

Châu Phi nguy cơ đối mặt với "cơn bão kép" kinh tế

Giá lương thực tăng cao kết hợp với suy thoái kinh tế của châu Âu và Trung Quốc có thể trở thành một “cơn bão kép" nguy hiểm đe dọa châu Phi.
Ông Mthuli Ncube, Chuyên gia Kinh tế học - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) bày tỏ sự quan ngại về việc giá thực phẩm tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của lục địa đen. Ông nhắc lại trường hợp năm 2008 khi sức ép về giá lương thực và nhiên liệu đã gây bất ổn xã hội và cướp bóc lương thực ở một số nước châu Phi, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của châu lục này.

Theo nghiên cứu Triển vọng Kinh tế châu Phi (African Economic Outlook) năm 2012 của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), AfDB và các tổ chức quốc tế khác dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Phi năm 2012 sẽ tăng 4,5% so với mức 3,4% của năm 2011, khi nền kinh tế của châu lục này cho thấy khả năng phục hồi khá tốt trong điều kiện khó khăn toàn cầu.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, việc tăng giá ngũ cốc một cách đáng lo ngại trên diện rộng do hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở miền Trung Tây Mỹ sẽ tác động xấu tới những khu vực nghèo khó của thế giới, bao gồm cả lục địa kém phát triển nhất là châu Phi.

Giá lương thực toàn cầu tăng sẽ siết chặt nhập khẩu thực phẩm của châu Phi, kết hợp với các cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro ở châu Âu cũng như sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến xuất khẩu dầu lửa và các loại hàng hóa khác của châu Phi. Theo ông Ncube, điều đó sẽ trở thành "cơn bão kép" nguy hiểm.

Theo ước tính, nếu GDP của châu Âu giảm 1% sẽ làm giảm 0,5% tăng trưởng của châu Phi. Tuy nhiên, ông Ncube tin rằng các chính phủ và các tổ chức toàn cầu hiện nay đã có sự nhận thức rõ hơn và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với một cuộc khủng hoảng giá thực phẩm, bằng kinh nghiệm rút ra từ các cuộc khủng hoảng trước đây. Ví dụ, AfDB sẵn sàng hành động để hỗ trợ tài chính cho các chính phủ đang gặp khó khăn với các hóa đơn nhập khẩu thực phẩm lớn cũng như đang gặp khủng hoảng về ngân sách.

Ngoài ra, châu Phi hiện cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng thất nghiệp, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Mặc dù châu Phi có tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới giai đoạn 2000 - 2008, nhưng lục địa này đã không thành công trong việc tạo ra đủ số lượng việc làm cần thiết cho 10 - 12 triệu lao động trẻ được đào tạo đang gia nhập thị trường lao động mỗi năm.

Theo phát biểu của ông Ncube, trở ngại lớn nhất cho việc tạo công ăn việc làm là sự tồn tại của "nền kinh tế một mặt" ở châu Phi. Nền kinh tế này chỉ tập trung xuất khẩu dầu thô và nguyên liệu thay vì đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng thông qua chu trình khép kín như sản xuất, thương mại và chế biến nông sản.

Nguồn Thị Trường Nước Ngoài


Sự kiện