Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng giao dịch trong khi chờ thông báo. Ảnh: The Africa Report.
Châu Phi "lao đao" khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại
Đồng rand (ZAR) Nam Phi từ lâu đã đóng vai trò là một “hệ thống cảnh báo sớm” cho các nhà đầu tư nhằm đánh giá tác động của các tin tức kinh tế Trung Quốc đối với châu Phi. Theo The Africa Report, “báo động” đã vang lên hôm 18/10 khi giá trị đồng nội tệ của Nam Phi giảm 1,1% trước dữ liệu quý III yếu kém hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 4,9% trong quý III, giảm mạnh so với mức tăng trưởng gần 8% trong quý II/2021. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, một chỉ số dữ liệu quan trọng đối với các nước châu Phi xuất khẩu hàng hóa, không đổi với mức tăng trưởng chỉ 0,1%.
Trong suốt thời kỳ đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc hoạt động tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ, nhưng điều đó có thể không còn đúng bởi một loạt sự kiện đã hội tụ trong những tháng gần đây. Điều này dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, có thể là trong nhiều thập niên.
Một động lực chính của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã giảm tốc, làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với các nước châu Phi. Ảnh: Oxford Business Group. |
Các mức nợ trong nước gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra dẫn đến tình trạng thiếu điện ở ít nhất 9 tỉnh, cũng như một loạt cải cách kinh tế đã làm gia tăng lo ngại về sức sống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Các dữ liệu kinh tế mới nhất hiện đang được các Bộ Tài chính trên khắp châu Phi nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá tác động đối với một khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nhu cầu mạnh mẽ về dầu mỏ, gỗ và khoáng sản của Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá rằng nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc sẽ tác động đến châu Phi theo ba khía cạnh.
Thứ nhất, về tài chính phát triển. Nguồn tài chính cho phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là từ hai ngân hàng chính sách lớn nhất của nước này, đã chậm lại trong nhiều năm và có thể sẽ không sớm trở lại do Trung Quốc ưu tiên phục hồi kinh tế trong nước hơn phát triển quốc tế.
Thứ hai, sự sụt giảm nhu cầu. Mặc dù sản lượng công nghiệp của Trung Quốc vẫn tăng mạnh, nhưng sự kết hợp của tình trạng thiếu hụt điện khiến các nhà máy đóng cửa, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nỗi lo gia tăng của người tiêu dùng Trung Quốc khi khoản tiết kiệm của họ gặp rủi ro trên thị trường bất động sản, sẽ góp phần làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa từ các nước châu Phi và các điểm khác dọc theo sáng kiến "Vành đai và Con đường”.
Thứ ba, tăng trợ cấp. Giống như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc sẽ chuyển sang trợ cấp để hỗ trợ các ngành công nghiệp của nước này trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những nước châu Phi đang tìm cách gia tăng giá trị cho nguyên liệu thô bằng cách chế biến trước khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu chính phủ Trung Quốc tăng cường các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp nước này chuyên về chế biến cobalt, mangan và uranium (trong số những doanh nghiệp khác) thì các công ty châu Phi về cơ bản sẽ khó có thể thể cạnh tranh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với một số quốc gia châu Phi, nhiều nước xuất khẩu một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc, chẳng hạn như khoáng sản, kim loại và dầu mỏ.
Angola là nhà xuất khẩu lớn nhất châu lục sang Trung Quốc, vận chuyển khoảng 23 tỉ USD hàng hóa vào năm 2019, chủ yếu là nhiên liệu khoáng sản và dầu.
Tuy nhiên, sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp của nước này, có thể ảnh hưởng đến các nước như Cộng hòa Congo, Namibia, tất cả đều thu được từ 15% đến 20% GDP của họ từ xuất khẩu tới Trung Quốc.
Trong khi các quan chức Trung Quốc chắc chắn sẽ dành rất nhiều sự chú ý cho châu Phi trong những tháng tới, do Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) - dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 - rất có thể sự tập trung sẽ nhanh chóng giảm sút trong năm mới.
Có thể bạn quan tâm:
Tài chính toàn cầu chao đảo do lo ngại “quả bom nợ” Evergrande