Cách đây 2 năm, cuộc bầu cử Thủ tướng Nhật Bản đã mở đầu cho sự phổ biến của thuật ngữ "Abenomics", chương trình phục hưng kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng đình đốn và giảm phát. Ba thành phần của Abenomics hay còn gọi là ba "mũi tên" nổi tiếng - bao gồm kích thích tiền tệ quy mô lớn bằng biện pháp nới lỏng định tính và định lượng (QQE), tạo thuận lợi cho tín dụng đến với lĩnh vực tư nhân và tăng cường chi tiêu chính phủ trong ngắn hạn; đồng thời cắt giảm thâm hụt ngân sách, củng cố tính bền vững của nợ công và các biện pháp cải cách cấu trúc nhằm tăng cường lượng cung và tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế.
Và bây giờ ở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã xuất hiện những những dấu hiệu khởi đầu cho một chương trình kích thích kinh tế tương tự cho khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini*gọi đó là "Draghinomics" (chính sách kinh tế của Mario Draghi - Chủ tịch ECB).
Giống như Abenomics, "Draghinomics" cũng đóng vai trò thúc đẩy tái cấu trúc cần thiết cho tăng trưởng tiềm năng của Eurozone và giúp nền kinh tế này thoát khỏi nguy cơ rơi vào giảm phát. Tuy nhiên, ông Draghi cũng thừa nhận sự phục hồi yếu ớt của khu vực Eurozone không chỉ phản ánh một số vấn đề thuộc về cơ cấu, mà còn đến từ sự tồn tại của các yếu tố mang tính chu kỳ phụ thuộc vào tổng cầu trong ràng buộc với tổng cung của nền kinh tế. Vì vậy các biện pháp kích cầu cũng rất cần thiết và theo Nouriel Roubini, đây là mũi tên đầu tiên trong chính sách Draghinomics.
Mũi tên thứ hai của "Draghinomics" là giảm rào cản đối với tăng trưởng thông qua chi tiêu chính phủ. Thời gian bắt đầu tiến hành biện pháp này có thể dao động lớn, do các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" được triền khai từ nhiều năm nay tại các quốc gia thành viên Eurozone. Mặc dù các quốc gia từng lâm vào khủng hoảng nợ công năm 2010 sẽ còn cần phải thắt chặt ngân sách nhưng một khi những lo ngại nợ công tại châu Âu giảm xuống, một số nền kinh tế dẫn đầu khối Eurozone (chẳng hạn như Đức) có thể tiến hành nới lỏng ngân sách tạm thời (thu thuế ít hơn và đầu tư công nhiều hơn) để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng ở cấp độ quốc gia.
Mũi tên thứ ba của "Draghinomics" liên quan đến nới lỏng định lượng và nới lỏng tín dụng, dưới các hình thức mua trái phiếu chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tư nhân. Triển vọng lạm phát có thể là một trong những lý do đầu tiên khiến cho biện pháp nới lỏng định lượng (QE) cần được ECB thực hiện, tương tự như những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hay Ngân hàng Trung ương Anh đã làm - mua tài sản (trái phiếu chính phủ) với quy mô lớn. Có khả năng QE sẽ bắt đầu được ECB tiến hành trong khoảng thời gian từ giờ cho tới đầu năm 2015.
Nới lỏng định lượng và nới lỏng tín dụng có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng trở lại và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone. Lợi suất trái phiếu của các chính phủ thành viên ở cả các kỳ hạn ngắn và dài đều có thể xuống thấp hơn, ngay cả tại các quốc gia từng là trung tâm của khủng hoảng nợ công 4 năm trước và sự lan tỏa tín dụng với chi phí cho vay thấp hơn sẽ đạt được trong cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.
Giá trị của đồng euro cũng có thể suy giảm, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu ròng. Thị trường chứng khoán trong khu vực Eurozone có thể tăng điểm sau đó và tạo hiệu ứng của cải tích cực. Triển vọng về một chương trình QE trong năm nay tại Eurozone đã thúc đẩy giá tài sản tăng đúng như mong đợi.
** Về thuật ngữ Nhà kinh tế học nổi tiếng J.M.Keynes đã đưa ra khái niệm tinh thần động vật (animal spirit), để chỉ đặc tính tâm lý của con người có những hành động tức thời trước hoàn cảnh, không hoàn toàn thuần lý. Chẳng hạn, các quyết định chi tiêu của cá nhân hay khu vực doanh nghiệp thường dao động mạnh, tùy theo các điều kiện kinh tế hiện thời. Trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế, như thời kỳ bùng nổ và suy thoái, hai loại chi tiêu trên (đặc biệt chi tiêu của doanh nghiệp) có thể khuyếch đại khuynh hướng hiện thời vì nhiều lý do tâm lý. Do đó, để bình ổn nền kinh tế, chính phủ cần can thiệp để tiết giảm sự khuyếch đại này. Nguyễn Đức Thành, 2009. |
Giá tài sản tăng cũng như các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực tư nhân có khả năng sẽ làm gia tăng tổng cầu và gia tăng kỳ vọng lạm phát. Không ai có thể đánh giá thấp ảnh hưởng của "tinh thần động vật" (animal spirit)** - niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào một cam kết đáng tin cậy từ ECB để giải quyết vấn đề tăng trưởng chậm và lạm phát thấp đang diễn ra tại Eurozone.
Để đảm bảo hiệu quả của QE, đòi hỏi chính phủ các quốc gia thành viên Eurozone phải tiến hành một số biện pháp tái cấu trúc nhanh nhất có thể về mặt cung và đảm bảo sự cân bằng giữa chính sách nới lỏng ngân sách trong ngắn hạn với chính sách "thắt lưng buộc bụng"trong trung hạn.
Tại Nhật Bản, mặc dù QQE và biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa đã giúp tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng lên trong ngắn hạn, nhưng những tiến bộ hiện nay có thể bị hủy hoại bởi việc thiếu tiến bộ trong thi hành mũi tên thứ ba (tái cơ cấu nền kinh tế) cũng như dưới tác động của việc củng cố chính sách tài khóa hiện tại.
Giống như Nhật Bản, Eurozone cần thiết phải triển khai mũi tên thứ ba của "Draghinomics" nếu nền kinh tế dần dần tìm lại đà tăng trưởng, khả năng cạnh tranh, tạo việc làm cũng như tính bền vững của nợ trong trung hạn của cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.
* Về tác giả Nouriel Roubini: Nouriel Roubini hiện là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế Roubini Global Economics và là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern, trực thuộc Trường đại học New York.
Công trình nghiên cứu thực nghiệm cây nhị phân về tính bền vững nợ công của ông và các cộng sự tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được ứng dụng phân tích cho trường hợp nợ công của Việt Nam qua báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai" donhóm tác giả trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các cộng sự thực hiện. |
Nguồn Theo DVO/Les Echos