Thứ Bảy | 03/11/2012 07:52

Châu Âu vẫn là đe dọa lớn nhất với kinh tế toàn cầu

Khủng hoảng tài chính châu Âu vẫn là trở ngại lớn nhất với đà phục hồi kinh tế thế giới và là chủ đề chính tại cuộc họp G20 cuối tuần này.
Quan chức Bộ tài chính Mỹ cho biết, cuộc họp cuối tuần này của các quan chức tài chính tại Mexico sẽ thảo luận về những ứng phó của G20 với khủng hoảng châu Âu. Nhận định đưa ra trong bối cảnh, Hy Lạp, Tây Ban Nha trở lại là tâm điểm khủng hoảng nợ eurozone và cần đến các gói cứu trợ trong khi Italia có thể là nước tiếp theo.

Cũng theo quan chức này, cuộc họp sẽ tập trung vào các biện pháp mà những nền kinh đang phát triển cần triển khai để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa và nới lỏng chính sách tỷ giá, đặc biệt là Trung Quốc.

“Trung Quốc vẫn cần nỗ lực hơn nữa để có tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường và điều chỉnh sự mất cân đối của nền kinh tế một cách bền vững”, quan chức Mỹ nhấn mạnh. Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ cho phép nhân dân tệ tăng giá 11% so với USD kể từ 2009.

Cuộc họp của G20 diễn ra sau cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước tại Tokyo. Tại đây, các quan chức đã ủng hộ kế hoạch nhằm gây sức ép buộc Mỹ và châu Âu giải quyết vấn đề nợ công.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố trước thềm cuộc họp thường niên, IMF cảnh báo, kinh tế toàn cầu có thể suy thoái trở lại sau 3 năm và nỗ lực ứng phó suy thoái lần này có thể sẽ phức tạp hơn giai đoạn 2008-2009.

IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt là 3,3% và 3,6%, thấp hơn dự báo 3,5% và 3,9% trước đó. Như vậy, tăng trưởng năm 2012 được dự báo thấp nhất kể từ năm 2009.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện