Tổng thống Biden và bà Ursula von der Leyen của Ủy ban châu Âu thông báo rằng Mỹ sẽ giúp EU đảm bảo thêm 15 tỉ mét LNG trong năm nay. Ảnh: Reuters.

 
Hân Nguyễn Thứ Hai | 28/03/2022 17:04

Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Mỹ đã công bố một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU để tăng các lô hàng khí đốt tự nhiên, giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga.

Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho châu Âu, nhưng chưa cho biết ông sẽ thực hiện bằng cách nào vì chính Mỹ cũng gần hết khả năng xuất khẩu.

Mỹ đã công bố một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 25/03 để tăng các lô hàng khí đốt tự nhiên, giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Và Đức đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm một nửa lượng dầu và than nhập khẩu từ Nga trong năm nay, cũng như hoàn toàn cắt đứt nhập khẩu năng lượng từ Nga vào giữa năm 2024. Đây là một bước ngoặt đáng chú ý của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chỉ vài tháng trước, Đức vẫn còn dự định mua thêm nhiều khí đốt tự nhiên hơn nữa từ Nga thông qua một đường ống mới có tên Nord Stream 2. Chính cuộc chiến của Nga đã buộc các nhà lãnh đạo ở Đức và các nước châu Âu khác phải từ bỏ chính sách đã và đang áp dụng trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, chỉ trong vỏn vẹn một tháng.

Tổng thống Biden đang tìm cách khuyến khích các động thái tương tự tại các nước châu Âu khác, một phần bằng cách đề nghị để Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng.

Thỏa thuận mà ông đã công bố tại Bỉ trước đó vào thứ 25/03, tuy chưa đi vào chi tiết nhưng chứa một số mục tiêu lớn: Mỹ sẽ gửi thêm 15 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong năm nay - khoảng 10-12% xuất khẩu hàng năm của Mỹ. Tổng thống cho biết đến năm 2030, Mỹ sẽ đặt mục tiêu tăng nguồn cung lên tới 50 tỉ mét khối mỗi năm.

Động thái này khiến nhiều người trong ngành năng lượng Hoa Kỳ phải ngạc nhiên. Các giám đốc điều hành công ty dầu khí đã được “gọi tên” để giúp “giải phóng” các đồng minh châu Âu khỏi năng lượng của Nga.

“Tôi không biết họ sẽ làm điều này như thế nào, nhưng tôi không muốn chỉ trích họ vì đây là lần đầu tiên họ đang cố gắng làm điều đúng đắn.” ông Charif Souki, Chủ tịch điều hành của Tellurian, một công ty khí đốt của Mỹ cho biết. 

Ông Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, một nhóm chuyên gia đang đi sâu vào các chi tiết để vừa giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu và khí đốt của Nga, vừa không làm suy yếu các chính sách khí hậu của cả Mỹ và EU.

Một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Ý. Ảnh: The New York Times.
Một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Ý. Ảnh: The New York Times.

Một trong những khó khăn lớn nhất trước mắt là không có cảng hàng hóa đủ khả năng vận chuyển và tiếp nhận khí đốt trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Chính quyền Tổng thống Biden không thể đơn giản ra lệnh cho các đơn vị xuất khẩu Mỹ bán khí đốt cho người mua châu Âu hoặc định giá phù hợp cho những người mua đó.

Liên minh châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, quốc gia sản xuất trữ lượng lớn dầu, diesel, than và khí đốt tự nhiên. Sự phụ thuộc đó đã trở thành một vấn đề ngày càng “nhức nhối” khi Liên minh châu Âu tìm cách trừng phạt ông Putin. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu và một phần lớn trong số đó được vận chuyển bằng đường ống đi qua Ukraine.

Đức từ lâu đã là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga. Sau khi quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, Đức ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên. Do nhận được khí đốt với giá tương đối phải chăng bằng đường ống từ Nga - và một số từ Hà Lan, Na Uy cùng các nhà cung cấp khác - nên họ đã từ chối xây dựng bến cảng với khả năng nhập khẩu LNG. Đức cũng nhập khẩu gần một phần ba lượng dầu thô từ Nga. Quốc gia này đã cố gắng cắt giảm mức tiêu thụ với các khoản trợ cấp hào phóng cho ô tô điện và đầu tư nhiều hơn vào giao thông công cộng.

Thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz, phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz, phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: Reuters.

Cuối cùng, các nước EU đã đồng ý cùng nhau mua và tích trữ khí đốt tự nhiên. Họ đặt mục tiêu lấp đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất vào tháng 11 để chống lại sự gián đoạn nguồn cung trong mùa đông, khi việc sử dụng khí đốt tăng lên vì nhu cầu sưởi ấm.

Tại Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu khí đốt đã chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu trong những tháng gần đây, phần lớn là do giá ở châu Âu cao hơn hầu hết các nơi khác trên thế giới. Cho đến nay, Mỹ đã xuất khẩu gần 75% lượng LNG đến châu Âu, tăng từ 34% vào năm 2021.

Các nhà điều hành năng lượng nói rằng chính quyền ông Biden có thể giúp tăng dòng chảy khí đốt bằng cách hợp lý hóa việc cấp phép cho các bến xuất khẩu mới của Mỹ, nơi khí đốt tự nhiên được làm lạnh thành chất lỏng và bơm vào các tàu chở dầu trên biển. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng có thể bảo lãnh khoản vay cho các bến xuất khẩu của Mỹ và các bến nhập khẩu của châu Âu. Có khoảng một chục trạm xuất khẩu của Mỹ đã được phê duyệt theo quy định nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn tài chính để xây dựng. Khoảng 10 trạm nhập khẩu mới của Châu Âu đang được xây dựng.

Các trạm xuất khẩu đòi hỏi khoản đầu tư lên tới 10 tỉ USD, trong khi các trạm nhập khẩu tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD để xây dựng. Mỹ hiện có bảy cảng xuất khẩu và châu Âu có 28 cảng nhập khẩu quy mô lớn.

Các nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích thông báo của ông Biden vì họ lo ngại nó sẽ khiến biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng nhất trí tìm cách giảm phát thải khí metan và nhà kính từ cơ sở hạ tầng cũng như đường ống dẫn LNG. Họ cho biết sẽ tăng cường các sáng kiến ​​tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như triển khai các máy bơm nhiệt sử dụng công nghệ hydro sạch để thay thế nhiên liệu hóa thạch, cũng như xúc tiến và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo như gió ngoài khơi và điện mặt trời.

Có thể bạn quan tâm: 

Kho dầu khổng lồ của Ả Rập Xê-út bị tấn công

Nguồn The New York Times