Châu Âu và cuộc di cư của những nhà tỉ phú
Đón gia đình một công tước người Pháp đến thăm Hà Nội giữa tháng 3, người viết có dịp trò chuyện với vị tỉ phú này về lý do ông thực hiện chuyến công du vòng quanh các nước ASEAN. Tham quan chỉ là một phần nhỏ. Chủ yếu, giới giàu có ở châu Âu đang tìm kiếm một “thiên đường thuế” mới. Thực tế, trong vòng một thập niên gần đây, nhu cầu di cư luôn “nóng” ở châu Âu. Ðây là nơi người nghèo muốn vào, còn người giàu lại muốn thoát ra.
Nhu cầu thoát ly của giới lắm tiền nhiều của đạt đỉnh điểm cách đây 3 năm, khi chính quyền Tổng thống Pháp Francois Hollande áp mức thuế thu nhập 75% đối với công dân có thu nhập lớn hơn 1 triệu euro/năm. Lập tức, chủ nhân của những thương hiệu thời trang và mỹ phẩm đình đám như Louis Vuitton, Moët, Hennessy, Kenzo, Givenchy, Dior hay Bulgaria liền tuyên bố xin làm công dân của Bỉ. Ðến năm 2015, đã có hơn 10.000 triệu phú Pháp xin từ bỏ quốc tịch, theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth.
Tại Tây Ban Nha, việc thuế thu nhập tăng thêm 7% đối với công dân có thu nhập trên 300.000 euro/năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến giải đấu La Liga, bởi các cầu thủ ngoại quốc thi đấu trên 4 năm đều phải tuân thủ luật thuế thu nhập mới. Tiêu biểu như trường hợp Eric Abidal, cầu thủ Pháp thi đấu từng thi đấu cho Barcelona, phải đóng thuế lên mức 56% thay vì 24% như trước đó. Còn nước Ý cũng phải chứng kiến hơn 6.000 tỉ phú rời bỏ quê hương.
Những quốc gia có mức thuế thu nhập thấp hơn cố quốc sẽ được giới giàu có lựa chọn như một “bước đệm” tạm thời, trước khi họ tìm đến một “thiên đường thuế” thật sự. Họ tin rằng Monaco là điểm đến hấp dẫn, vì mọi công dân đều được miễn thuế ở quốc đảo này. Một vài danh thủ nổi tiếng cũng đang cân nhắc điểm đến mới là Brazil, nơi họ vẫn được thi đấu bóng đá đỉnh cao và sống với mức thuế thu nhập cá nhân “dễ thở” hơn. Rõ ràng, người có thu nhập cao tại châu Âu đang thay đổi linh hoạt hơn để đối phó và bảo vệ khối tài sản hiện có, nhất là khi “cơn bão nợ công” đã quét qua rất nhiều quốc gia trong khu vực.
Có một lý do khác khiến giới nhà giàu châu Âu di cư. Lý do này lại xuất phát từ một quốc gia ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Nơi đó, chính phủ Mỹ đã thiết kế hàng loạt quy định khắt khe nhằm vào hành vi trốn thuế. Bộ Tư pháp Mỹ có quyền lực mạnh đến nỗi có thể khiến một công ty nước ngoài không hoạt động ở Mỹ phải nhận tội danh liên quan đến việc giúp người giàu trốn thuế. Nhiều ngân hàng của Thụy Sĩ như Credit Suisse, Julius Baer hay Basler Kantonalbank đã rơi vào tầm ngắm của cơ quan này.
Thế là giới tỉ phú châu Âu bắt đầu rút tiền đồng loạt trước nguy cơ danh tính và tài sản sẽ bị lộ, do sự “bất khả xâm phạm” của các ngân hàng Thụy Sĩ đang lung lay mạnh. Theo phân tích của hãng tư vấn tài chính Rolfes Schierenbeck (Đức), trong năm 2016, khách hàng châu Âu sẽ rút thêm 25% trong tổng số 800 tỉ USD tài sản của họ ra khỏi các ngân hàng Thụy Sĩ.
Có thể nói, mức thuế thu nhập cá nhân khá cao và nguy cơ thông tin tài sản cá nhân bị rò rỉ chính là hai nguyên nhân lớn dẫn đến “làn sóng di cư có điều kiện” của giới siêu giàu châu Âu. Nhưng ở chiều ngược lại, châu Âu với hệ thống an sinh xã hội phát triển vẫn tạo được sức hút khó cưỡng đối với công dân từ các châu lục khác.
Kể từ Thế chiến thứ hai, nhân loại mới lại được chứng kiến một làn sóng di dân với quy mô khổng lồ như hiện tại. Hàng triệu triệu người từ các khu vực có xung đột vũ trang ở Trung Đông đang đổ xô vào châu Âu. Bất ổn chính trị ở Trung Ðông kéo dài kể từ năm 2011 đã khiến khoảng 4,5 triệu người Syria rời bỏ quê hương đi lưu vong. Họ chiếm đến gần 40% trong tổng số 1 triệu người di cư vào châu Âu bằng đường bộ và đường biển trong năm 2015, theo Tổ chức Di cư Quốc tế. Ðây còn được xem là một “cuộc di cư thiên niên kỷ”, có nguy cơ tác động mạnh mẽ đến nỗi các quốc gia châu Âu buộc phải đồng thuận chu cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 5 tỉ USD để nước này duy trì các biện pháp giải quyết khủng hoảng người nhập cư.
Nếu như người Syria, Afghanistan, Ethiopia, Sudan hay Somalia chấp nhận hành trình di cư đầy nguy hiểm vì nội chiến, đói nghèo hay trốn tránh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thì công dân đến từ các nước đang phát triển lại tìm đến miền đất hứa châu Âu để xây dựng tương lai cho thế hệ kế cận. Theo thống kê của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, hiện có hơn 45 triệu Hoa kiều đang sinh sống ở nước ngoài. Khảo sát còn cho thấy hiện có khoảng 10 triệu người Trung Quốc giàu có đang có ý định di dân để hưởng môi trường trong lành và nền giáo dục tốt hơn.
Có sự tỉ lệ thuận giữa dòng vốn đầu tư ra ngoài lãnh thổ và dòng người Trung Hoa di cư. Chỉ tính riêng trong năm 2015, vốn đầu tư mới của Trung Quốc vào châu Âu tăng 28%, so với mức 18 tỉ USD của năm 2014. Cũng trong năm ngoái, gần 1.000 tỉ USD đã được các cá nhân và công ty chuyển ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, theo J.P. Morgan Chase. Cùng lúc đó, số người Hoa được cấp thẻ cư trú trên lãnh thổ các nước châu Âu là gần 77.000. Công dân Philippines, Peru, Ấn Độ, Nga và Ukraine cũng có tên trong tốp 10 nước “tích cực” di cư vào châu Âu.
Ngoài Monaco, các tỉ phú châu Âu còn tìm đến những miền đất hứa ở Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, New Zealand và Úc. Phân tích từ nhiều hãng nghiên cứu tài chính lớn cho thấy, tổng giá trị các tài khoản ngân hàng không phải đóng thuế trên toàn cầu trong vòng gần 10 năm qua, kể từ năm 2007, không hề thay đổi, đạt giá trị khoảng 2.700 tỉ USD. Quan sát chính sách thuế của các quốc gia thời gian gần đây cũng có thể nhận thấy sự cạnh tranh để thu hút người siêu giỏi và siêu giàu. Ðương nhiên, cùng với đó chính là khả năng giữ dòng tiền “không thích chịu thuế” tại hệ thống ngân hàng ở quốc gia đó càng lâu càng tốt.
Tại Việt Nam, những nhà điều hành nên chăng cũng cần quan tâm đến tương quan thuế thu nhập so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tiền đồng đang ổn định, lạm phát mức thấp trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực bị phá giá. Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút dòng tiền đầu tư từ chính các quốc gia lân cận, như trường hợp Singapore, Úc hay New Zealand đã làm, thay vì chỉ trông đợi vào dòng tiền kiều hối hay ODA thông thường.
An Cầm