Thứ Năm | 04/10/2012 13:25

Châu Âu tăng cường trừng phạt khi tiền tệ Iran mất giá

Anh, Pháp và Đức đang gia tăng trừng phạt nhằm phá hủy kinh tế cùng tham vọng hạt nhân của Iran khi nội tệ nước này trên bờ vực sụp đổ.
Trong thư gửi 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), các bộ trưởng ngoại giao thuộc ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Anh, Pháp, Đức - đã lên tiếng chỉ trích Tehran cố tình che giấu chương trình hạt nhân trước cơ quan điều tra của Liên Hợp Quốc.

3 cường quốc này cũng gọi EU gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo Iran vì không chịu chấp nhận ngừng hoạt động làm giàu uranium cấp độ cao, nguyên liệu cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.

"Cho đến nay, chính quyền Iran không mấy tích cực với đề nghị của EU", bộ trưởng Anh, Pháp và Đức viết. Ngoài ra, bức thư còn đề cập đến đề nghị trước đó của EU với Iran, trong đó yêu cầu Tehran dừng chương trình làm giàu uranium để đổi lấy những ưu đãi về hàng không và năng lượng.

Các biện pháp trừng phạt đang khiến giá cả một số hàng hóa cơ bản của Iran tăng vọt.
Các biện pháp trừng phạt đang khiến giá cả một số hàng hóa cơ bản của Iran tăng vọt.

Tuy nhiên, báo cáo ngày 30/8 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lại cho thấy kho dự trữ uranium đã được làm giàu của Iran đã tăng lên bất thường.

Trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU diễn ra vào ngày 15/10 tới đây tại Luxembourg, các nhà châu Âu cùng nhiều quan chức tài chính đã cùng nhau thảo luận về các đề xuất thắt chặt trừng phạt Iran trong các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, thương mại và vận chuyển, nguồn tin giấu tên cho biết.

Trong số các đề nghị được 3 cường quốc châu Âu đưa ra thảo luận, nổi bật là các biện pháp bịt lỗ hổng trừng phạt nhằm ngăn chặn Iran lách luật hoặc tìm cách né tránh. Ngoài ra, 3 quốc gia châu Âu cũng yêu cầu tăng cường đóng băng các tài sản của Ngân hàng trung ương Iran tại châu Âu nhằm ngăn chặn Tehran tiếp cận với nguồn dự trữ ngoại tệ cũng như tìm cách ổn định đồng rial, các nhà ngoại giao cho biết.

Các đề xuất khác được đưa ra bao gồm thắt chặt hợp tác với ngành công nghiệp hàng hải để kiểm soát các tài chở dầu của Iran, đồng thời tăng cường các lệnh cấm buôn bán các thiết bị có khả năng sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân vào Iran.

Đồng rial của Iran bị mất giá 18% chỉ trong một ngày.
Đồng rial của Iran bị mất giá 18% chỉ trong một ngày.
Mặc dù nhấn mạnh gia tăng trừng phạt là biện pháp cần thiết buộc Iran hợp tác, song cả Anh, Pháp và Đức đều tin rằng giải pháp ngoại giao hoàn toàn có thể đạt được. Cùng Mỹ, Nga và Trung Quốc, cả ba quốc gia châu Âu đều có mặt trong mọi cuộc đàm phán hạt nhân với Iran kể từ tháng 4 năm nay, dù các cuộc đối thoại đều không mang lại kết quả.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Iran từ ngày 1/7, song các nước châu Âu tiếp tục xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa và dịch vụ cho Iran, giám đốc điều hành Hội Bảo Vệ Dân Chủ (FDD), ông Mark Dubowitz, cho biết.

Theo số liệu từ FDD, từ giữa tháng 1 đến tháng 7 năm nay, Đức xuất khẩu tổng cộng 1,4 tỷ euro hàng hóa cho Iran, trong khi Italia là 550 triệu euro.

Trong khi đó tại Iran, mặc dù chính quyền Iran liên tục khẳng định không lùi bước trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, song có thể thấy nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua. Hôm 1/10, đồng rial của Iran đã giảm 18% chỉ trong một ngày và đạt mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Trong hai tháng qua, ước tính đồng nội tệ của Iran đã mất hơn một nửa giá trị so với USD.

Đồng tiền mất giá nghiêm trọng cũng dẫn tới tình trạng lạm phát kinh hoàng tại Iran. Theo phát ngôn viên quốc hội Iran, Ali Larijani, lạm phát của nước này hiện ở mức 29%, khiến giá cả tăng vọt và biến một số mặt hàng trở thành những thứ xa xỉ. Hôm qua 3/10, giá sữa tại Iran đã tăng 9%, trong khi các cửa hàng cũng ồ ạt dự trữ thịt khi giá loại thực phẩm này tăng vọt chỉ sau một đêm.

Theo các quan chức châu Âu, các lệnh trừng phạt tài chính và dầu mỏ sẽ phá hủy cán cân thanh toán của Iran, đồng thời làm tê liệt khả năng chi trả cho các mặt hàng thiết yếu của chính phủ. Bên cạnh đó, đồng tiền mất giá cùng nguồn dự trữ ngoại tệ bị phong tỏa cũng khiến nhập khẩu tốn kém hơn đối với Iran.

"Các biện pháp trừng phạt của EU sẽ hạn chế khả năng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran, đồng thời đẩy nền kinh tế Iran xuống bờ vực sụp đổ", ông Dubowitz nhận định.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện