Thứ Bảy | 05/05/2012 10:13

Châu Âu sắp rơi vào "thập kỷ mất mát" giống Nhật Bản?

Có rất nhiều sự giống nhau giữa khủng khoảng nợ châu Âu hiện tại và "thập kỷ mất mát" Nhật Bản những năm 1990 khi bong bóng kinh tế nổ tung.
Cả hai khu vực đều trải qua bùng nổ bất động sản trước khủng hoảng tài chính, người mua mắc nợ lớn và hệ số nợ trên tiền gửi  của các ngân hàng không ổn định khi họ tìm cách đáp ứng nhu cầu vay mượn trong nước.

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Barclays đã tìm hiểu liệu khủng khoảng nợ châu Âu có tác động tới các ngân hàng nội địa theo cách các định chế tài chính Nhật Bản đã từng làm tổn thương nền kinh tế quốc gia này hay không. Kết luận của họ không phải tin vui cho các ngân hàng châu Âu, những người đang cố gắng giảm lượng cho vay, tăng dự trữ vốn và giảm rủi ro của các ngân hàng đầu tư.

Rất nhiều tổ chức tài chính lớn bậc nhất của lục địa đã đưa ra báo cáo lợi nhuận quý đầu yếu kém. Tuần trước, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước Đức thông báo lợi nhuận ròng giảm 34%, xuống 1,85 tỷ USD. Trong khi đó, người khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng thông báo lợi nhuận 3 tháng đầu năm của họ giảm 54%, xuống 911 triệu USD.

Các nhà nghiên cứu ở Barclays cho rằng, đây mới chỉ là những tổn thất đầu tiên. Ở cả châu Âu và Nhật Bản, chứng khoán ngành ngân hàng trong thời gian khủng hoảng cũng có những biểu hiện đặc biệt giống nhau.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, các tổ chức tài chính chiếm gần 20% tổng giá trị trên thị trường chứng khoán, nhưng 6 năm sau khủng hoảng, con số này giảm xuống chỉ khoảng 10%.

"Tuy nhiên, có lẽ điều khiến chúng ta lo lắng hơn còn ở phía trước. Sau khi giảm gần một nửa giá trị thị trường trong giai đoạn 1993-1999, giống tình trạng của các ngân hàng châu Âu từ năm 2006 đến nay, ngành ngân hàng Nhật Bản tiếp tục giảm sâu hơn 40% nữa xuống mức đáy 6% giá trị thị trường. Mặc dù, tới đầu những năm 2000, họ đã đạt được một số phục hồi, hiện tại tổng giá trị ngành này chỉ bằng khoảng 3/4 đỉnh trước đó 6 năm của họ"

Một điểm giống nhau thú vị khác giữa châu Âu và Nhật Bản là liên quan đến nợ chính phủ.

Trước khi nền kinh tế quốc gia châu Á này khủng hoảng, nợ chính phủ chiếm khoảng 6% trong bảng cân đối kế toán các ngân hàng Nhật Bản. Nhưng khi các ngân hàng rút vốn tài trợ cho khu vực tư nhân để giảm thiểu rủi ro, tỷ lệ nợ chính phủ đã tăng mạnh và tới năm 2011 chiếm 23%.

Theo các nhà nghiên cứu của Barclays, tại châu Âu, một mức tăng tương tự trong tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ của các ngân hàng cũng đồng thời xảy ra, đặc biệt ở các quốc gia tâm điểm khủng hoảng như Tây Ban Nha và Italia.

Những tháng vừa qua, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cho các doanh nghiệp nội địa vay hơn 1.000 tỷ USD với lãi suất thấp, theo một chương trình mang tên "hoạt động tái cấp vốn dài hạn" hay viết tắt là LTRO.

Các ngân hàng, hiện tại đang có tỷ lệ nắm giữ nợ chính phủ chiếm khoảng 4% bảng cân đối kế toán, đang mua vào rất nhiều trái phiếu lợi suất cao của chính phủ.

Theo các nhà nghiên cứu của Barclays, chương trình LRTO hiện tại, và nghiệp vụ "carry trade" sau đó - trong đó các ngân hàng bán một công cụ tài chính lãi suất thấp, sau đó sử dụng để mua công cụ tài chính lãi suất cao hơn và được lợi từ lãi suất chênh lệch - có thể là khởi đầu quá trình khiến bảng cân đối kế toán các ngân hàng châu Âu giống của Nhật Bản.

Nguồn NYTimes/DVT


Sự kiện