Châu Âu quyết tâm thu hẹp bất bình đẳng thu nhập giới
Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, phải tới năm 2186 (tức là gần 170 năm nữa), thế giới mới có sự bình đẳng tiền lương. Một số nước châu Âu đã triển khai các biện pháp cụ thể thời gian qua để chống lại sự phân biệt đối xử về tiền lương giữa nam và nữ.
Tại Iceland, tình trạng nữ giới được trả lương trung bình thấp hơn nam giới 19% đã không còn bắt đầu từ ngày 1.1.2018. Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới quy định việc trả lương cho nam giới nhiều hơn nữ giới là trái pháp luật.
1.200 công ty của Iceland có 25 nhân viên trở lên sẽ phải công khai mức lương. Mỗi công ty sẽ được phát giấy chứng nhận nhà nước việc trả lương công bằng. Giấy chứng nhận này phải được gia hạn 3 năm 1 lần. Không có giấy chứng nhận sẽ bị phạt.
Bà Rosa Ingolfsdottir, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Iceland cho biết: "Bộ luật này sẽ ảnh hưởng đến các công ty, cùng những lời đề nghị việc làm mà họ đưa ra. Bây giờ là lúc để họ thể hiện trách nhiệm và là một phần của nhiệm vụ trả lương bình đẳng".
Nước Đức cũng đã lựa chọn cách thức minh bạch về tiền lương. Một đạo luật được ban hành cho phép các nữ nhân viên làm việc cho các công ty có ít nhất 200 nhân viên có quyền được biết mức lương của ít nhất 6 đồng nghiệp nam giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp có hơn 500 nhân viên phải công khai mức độ chênh lệch lương.
Bình đẳng thu nhập giới cũng đang dần trở thành hiện thực ở Pháp. Quốc vụ khanh về bình đẳng giới trong Chính phủ Pháp, bà Marlène Schiappa đã tiết lộ về một kế hoạch "cứng rắn và cụ thể" về bình đẳng tiền lương trong năm nay. Tỏ rõ quyết tâm áp dụng các biện pháp trừng phạt, bà đã không loại trừ khả năng thiết lập một hệ thống minh bạch tiền lương.
Nguồn VTV