Chủ Nhật | 06/05/2012 09:39

Châu Âu khủng hoảng cắt giảm chi tiêu, không phải khủng hoảng nợ

Nhiều người cho rằng sự suy thoái của châu Âu xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ của châu lục này, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm.
Một ví dụ rõ ràng nhất đó là, nước Anh, dù không phải chịu bất cứ cuộc khủng hoảng nợ nào, hiện đang phải trải qua cuộc suy thoái kép lần đầu tiên kể từ thập niên 1970.

Trên thực tế, thứ khiến châu Âu sa lầy chính là chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ các nước trong khu vực. Những nước này đã hình thành nên một quan điểm vô cùng kỳ lạ, đó là kinh tế chậm lại do nợ quá mức, do đó chính phủ nên cắt giảm chi tiêu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người khởi xướng phong trào thắt lưng buộc bụng ở châu Âu cùng các nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua hai sự thật lớn.

Trước hết, vấn đề thực sự không nằm ở nợ trên thu nhập mà là tỷ lệ nợ so với quy mô nền kinh tế.

Trong lúc vội vã cắt giảm nợ công, châu Âu đã vô tình quên mất điều này. Bằng cách cắt giảm chi tiêu công, châu Âu đã loại bỏ một nguồn nhu cầu quan trọng vào thời điểm khi người tiêu dùng và khu vực tư nhân vẫn còn nằm trong lực hút của cuộc Đại suy thoái. Kết quả là nó khiến tỷ lệ nợ của châu Âu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) càng tồi tệ hơn.

Một khoản nợ lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng còn dễ chấp nhận hơn một khoản nợ nhỏ với nền kinh tế dậm chân tại chỗ, và chắc chắn còn tuyệt vời hơn một khoản nợ nhỏ với nền kinh tế ngày càng thu hẹp.

Sự thật thứ hai, châu Âu đã bỏ qua các chi phí xã hội trong chính sách thắt lưng buộc bụng. Cắt giảm chi tiêu trong khi thất nghiệp gia tăng và tiền lương giữ nguyên hoặc giảm xuống chỉ làm khiến tình trạng thất nghiệp trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, châu Âu cũng loại bỏ các dịch vụ công và các mạng lưới an toàn mà mọi người phụ thuộc vào thời điểm khó khăn.

Điều này đã dẫn đến những bất ổn về chính trị. Chẳng hạn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phải từ chức, Thủ tướng Anh David Cameron rơi vào tuyệt vọng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có thể thất bại trong cuộc bầu cử trước đối thủ Xã hội Francois Hollande, các đảng phái chính trị châu Âu trên đà sa sút. Còn trên khắp châu Âu, số lượng người trẻ tuổi thất nghiệp tăng cao kỷ lục khiến bạo động nổ ra khắp nơi.

Những bất ổn đó đã kéo sự tăng trưởng xuống và tạo ra sự không chắc chắn về tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ và châu Âu nên từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng. Thay vào đó, thiết lập mục tiêu cho tăng trưởng và thất nghiệp. Tăng chi tiêu chính phủ, giảm lãi suất dài hạn cho đến khi những mục tiêu này được đáp ứng. Sau đó, mới thắt chặt chi tiêu.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao suy thoái kinh tế châu Âu lại đáng quan tâm đến như vậy? Đơn giản là vì nếu sự sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (châu Âu) kết hợp với sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) và toàn cầu

Nếu nền kinh tế lớn thứ 2 và thư 3 không có đủ nhu cầu tiêu dùng cho hàng hóa và dịch vụ, thì có thể nền kinh tế Mỹ cũng sẽ phải chịu đựng tình trạng tương tự. Điều đó có nghĩa tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn tại Mỹ cùng nhiều nơi khác nữa trong khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại.

Nguồn SFGate


Sự kiện