Bloomberg
Châu Âu không thể thiếu sự lãnh đạo của nước Đức
Kỳ lạ thay, điều này lại không phải là vấn đề lớn với quốc gia số 1 châu Âu, khi đất nước này tiếp tục trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến Liên minh châu Âu. Khu vực đồng euro cần cải cách, và điều đó sẽ không thể xảy ra nếu không có sự lãnh đạo của Đức.
Bà Angela Merkel đã đưa ra lời hứa trong một bài phát biểu chào mừng năm mới rằng bà và đồng sự sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ mới. Nhưng cổ nhân có câu nói thì dễ hơn làm. Các cuộc đàm phán giữa Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do đã đổ vỡ vào giữa tháng 11.
Bà Merkel đã luôn đàm phán với đảng Dân chủ Xã hội, nhưng cả hai bên đều không thể hiện ý muốn kết nối lại liên minh. Hiện tại, hai đảng vẫn còn nhiều khác biệt trong các chủ đề bao gồm vấn đề người nhập cư và thuế.
Các cuộc thảo luận mới với đảng Dân chủ Xã hội dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Người ta hy vọng cuộc đàm phán này sẽ thành công, và hai đảng nhận thức được rằng họ cần phải trở liên kết với nhau để làm gương chứng minh rằng các chính đảng lớn vẫn có giữ vai trò chủ đạo tại châu Âu. Trong những năm gần đây, vai trò của các chính đảng lớn tại châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ. Cuộc bầu cử tại Pháp đã chứng kiến thất bại thảm hại của hai chính đảng đã từ lâu dẫn dắt chính trị nước Pháp là đảng Xã hội và đảng Công hòa. Và Emanuel Macron, người sáng lập phong trào nước Pháp Tiến lên, đã trở thành Tổng thống Pháp, cùng với đó là sự trỗi dậy đảng “dân túy” Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, Liên minh giữa đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) do bà Merkel lãnh đạo và đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Liên bang tại Đức với khoảng hơn 33% phiếu bầu. Và bà Merkel tiếp tục trở thành thủ tướng Đức nhiệm kì thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, con số hơn 33% phiếu bầu là không đủ để thành lập một chính phủ đa số, điều cần thiết để điều hành đất nước. Hiện bà, Merkel vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ buộc phải lãnh đạo một chính quyền thiểu số hoặc thực hiện cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho bà đang suy giảm mạnh. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 46% người được hỏi muốn bà từ nhiệm ngay lập tức.
Mặt khác, sự chậm trễ trong việc thành lập chính phủ ở Đức cũng là khá dễ hiểu. Những chia rẽ ở Berlin vẫn chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức. Tăng trưởng mạnh mẽ, và thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Phần còn lại của khu vực đồng euro cũng đang hồi phục mạnh mẽ, điều này cũng đang lan tỏa sang những quốc gia vốn từng khá trì trệ là Bồ Đào Nha và Italia. Tuy nhiên, hệ thống đồng tiền chung vẫn tồn tại những thiếu sót lớn, và một cuộc khủng hoảng tài chính khác sẽ có thể làm phơi bày sự yếu kém của nó. Đặc biệt, nó thiếu một hệ thống tài khóa để có thể luân chuyển nguồn lực từ các quốc gia khỏe mạnh sang các quốc gia yếu kém khi suy thoái kinh tế xảy ra.
Vấn đề này được thừa nhận rộng rãi và Ủy ban châu Âu đã đưa ra một kế hoạch để khắc phục nó. Các đề xuất bao gồm một cơ chế tài chính mới để giảm các cú sốc. Trong một bài phát biểu năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra kế hoạch hội nhập tài khóa lớn hơn. Nhưng chưa có ý tưởng nào được thảo luận một cách nghiêm túc, chứ chưa nói đến việc đưa chúng vào thực thi, cho đến khi chính phủ Đức được kiện toàn.
Vì lợi ích của mình, nhưng hơn cả là lợi ích của châu Âu, nước Đức không thể trì hoãn và cần phải thành lập một chính phủ mới càng sớm càng tốt.