Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị. Ảnh: NYT

 
Lam Hồng Thứ Sáu | 29/06/2018 19:46

Châu Âu "hé cửa" cho người tị nạn

Liên Hiệp Châu Âu tránh được khủng hoảng khi đạt thỏa thuận vào giờ chót về vấn đề người tị nạn nhập cư

Hàng ngàn người vẫn ùn ùn đổ về châu Âu tìm đường thoát khỏi những bất ổn, đàn áp, và có khi cả nạn thất nghiệp, ở châu Phi và Syria. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ trước hồ sơ đón người nhập cư. Libération dành kín trang bìa chạy tựa lớn: "Châu Âu: Ta đóng cửa", trên bức ảnh rất ấn tượng một thanh niên chạy tị nạn đang trèo qua một hàng rào dây thép gai dựng sát bờ biển.

Số phận của hàng ngàn người nhập cư trên biển đã trở thành cuộc tranh luận và mặc cả gay gắt giữa các nước trong EU suốt nhiều năm qua. Hy vọng vào một chính sách nhập cư chung cho cả khối là điều gần như không thể. Các nước mạnh ai nấy làm và xu hướng co lại, tái lập kiểm soát biên giới, quay lưng lại với người nhập cư đang ngày càng thắng thế.

Phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Liên minh châu Âu đã có nhiều thách thức nhưng di cư có thể sẽ chính là vấn đề định đoạt số phận của châu Âu. Mọi người ở châu Âu đồng ý rằng, điều quan trọng là phải giảm số người nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn những kẻ buôn người. Khi chúng ta nói về việc tiếp nhận người tỵ nạn giữa các nước châu Âu thì chúng ta cần phải giải quyết các thỏa thuận pháp lý”.

Tuy nhiên, ngày 29.6, lãnh đạo 28 thành viên EU đã thông qua được thỏa thuận về di dân vào sáng sớm thứ sáu 29.6, sau một đêm thương lượng gay go tại Brussels trước áp lực "không có tôi thì các anh sẽ chết" của Roma.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte rất hài lòng với thỏa hiệp này vì trước đó, nước này nhất quyết không ký cho đến khi các đối tác chấp thuận nguyên tắc: người đặt chân đến lãnh thổ Ý phải được xem là đã đến lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu. Một yêu sách khác của Roma cũng được chấp thuận. Đó là đề xuất lập "khu trung chuyển" do Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) quản lý.

Hội đồng châu Âu cũng thông qua một sáng kiến của Pháp là khi một di dân đặt chân lên lãnh thổ một quốc gia châu Âu thì người đó sẽ được tạm trú trong một trung tâm tiếp cư, có kiểm soát nhưng không khép kín như một nhà tù. Các trung tâm này sẽ được thiết lập ở các nước châu Âu, cũng theo nguyên tắc tình nguyện, được cung ứng phương tiện vật chất và nhân sự châu Âu để giải quyết đơn xin tị nạn càng nhanh càng tốt.

Chỉ có những nước tình nguyện mới được châu Âu trợ giúp lập trung tâm tiếp cư và chỉ có những nước tình nguyện mới được phân bổ lượng người tị nạn định cư.

Chau Au
Dòng người tị nạn đổ về châu Âu là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Ảnh: Handelsblatt Global

Số liệu từ UNHCR cho thấy trên thế giới hiện có khoảng 65,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong số này, có 21,3 triệu người là người tị nạn, và 10 triệu người không có tư cách công dân của bất kỳ quốc gia nào. Hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới là những người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria, Afghanistan, và Somalia.

Theo Tổ chức Các nước Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), 4 triệu người xin tị nạn đã đến châu Âu từ 2014 đến 2017 sẽ có thể làm tăng thêm 0,3% dân số châu Âu trong độ tuổi lao động từ nay đến năm 2020. Nhờ tăng trưởng trở lại, các nền kinh tế châu Âu dường như hoàn toàn có thể hấp thu được những người lao động mới, với điều kiện phải đào tạo họ và dạy cho họ ngôn ngữ nước sở tại.

Tuy nhiên, các nền kinh tế Nam Âu sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế xuống dốc. Ví dụ, tại nước Ý, từ nhiều năm nay, người tị nạn ngày càng vấp phải sự chống đối trong dân chúng.