Thứ Tư | 22/05/2013 08:59

Châu Âu đối mặt với thập kỷ trì trệ

Châu Âu sẽ rơi vào thập kỷ trì trệ nếu không có những cải cách bền vững và có ý nghĩa, thống đốc ngân hàng trung ương Canada cảnh báo.
Ông Mark Carney, người sẽ trở thành thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) trong thời gian tới, nhận định châu Âu có thể rút ra bài học từ Nhật Bản về sự nguy hiểm của việc áp dụng chính sách theo kiểu nửa mùa.

Ông cho rằng đã 6 năm kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, song châu Âu vẫn sa lầy trong suy thoái kinh tế, thắt chặt tài khóa, niềm tin đổ vỡ và hoạt động kinh tế bị hạn chế do thắt chặt tín dụng.

"Những thách thức lớn vẫn tồn tại sâu trong hệ thống tài chính. Nếu không có cải cách bền vững và có ý nghĩa, châu Âu sẽ phải đối mặt với thập kỷ trì trệ", ông Carney nói.

Ông cũng lưu ý cách thức Nhật Bản đấu tranh trong suốt 2 thập kỷ kể từ khi rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính của riêng mình. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã mạnh bạo thử nghiệm các chính sách táo bạo nhằm chấm dứt tình trạng trì trệ kéo dài. Sự thành công hay thất bại của chúng sẽ có tác động lớn tới triển vọng của Nhật Bản trong những năm tới.

Ông nhấn mạnh rằng những kinh nghiệm trong quá khứ của châu  đã chỉ ra những vướng mắc mà khối tiền tệ chung eurozone phải đối mặt, đặc biệt khi các ngân hàng không muốn thực hiện cho vay xuyên biên giới giữa các nước trong liên minh.

"Sự phân mảnh này đã làm suy yếu sự liên kết trong liên minh cũng như khả năng thanh toán của các ngân hàng. Giờ đây, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhận ra nếu không có cải cách lớn để tạo ra 1 liên minh ngân hàng, eurozone sẽ còn suy yếu nữa", ông Carney kết luận.

Thống đốc tương lai của BOE cho rằng trong trung hạn, một trong những bước đầu tiên tiến tới xây dựng khối liên minh tài chính đó là thiết lập chương trình bảo hiểm việc làm trên toàn châu Âu. Ông cho rằng việc làm này sẽ giúp ổn định thị trường lao động khu vực, cũng như cho các quốc gia, tiến tới xây dựng một nền tài chính chung vững mạnh hơn.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện