Thứ Bảy | 18/05/2013 15:38

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng mới

Khủng hoảng tài chính và nợ công chưa qua đi, châu Âu lai phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng mới về tăng trưởng và thất nghiệp.

Chín tháng đã qua sau cam kết sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để cứu đồng tiền chung châu Âu của Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Dù cho tình hình tài chính có cải thiện đáng kể nhưng khu vực eurozone vẫn sa lầy trong suy thoái kinh tế. Sản lượng giảm 0,2% trong 3 tháng đầu năm 2013 so với quý trước và là quý thứ sáu liên tiếp của cuộc suy thoái đã bắt đầu từ cuối năm 2011.

Đức - đầu tàu kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) GDP chỉ tăng 0,1%, còn nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp đã chính thức rơi vào suy thoái khi giảm 0,2% GDP quý I/2013. Tình hình tại Nam Âu còn khó khăn hơn nhiều khi GDP của Italia và Tây Ban Nha đều giảm 0,5%. Nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng là Síp cũng suy giảm 1,3%.

Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) vào đầu tháng 5 cho thấy GDP hàng năm của khu vực eurozone sẽ giảm 0,4% trong năm 2013, sau khi đã giảm 0,6% vào năm ngoái.

Luồng gió mới từ biển Baltic

Ngược lại, các quốc gia vùng Baltic sẽ tiếp tục tỏa sáng. Nền kinh tế dự đoán sẽ phát triển thịnh vượng nhất trong khu vực eurozone là Estonia với mức tăng trưởng GDP lên tới 3% trong năm 2013. Latvia như kế hoạch dự kiến sẽ tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 1 năm sau, sẽ là ngôi sao sáng, với dự báo tăng trư

Hai quốc gia vùng Baltic là Estonia và Latvia sẽ điểm sáng tăng trưởng kinh tế mới của châu Âu.

Thị trường lao động phân hóa sâu sắc

Sự chênh lệch giữa các nước có khủng hoảng và không khủng hoảng đặc biệt rõ rệt trên thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức chỉ là 5,4% trong tháng 3/2013, trong khi ở Hy Lạp và Tây Ban Nha đã lên tới khoảng 27%. Thậm chí, khoảng cách còn lớn hơn đối với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên.

Tại Đức, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tháng 3 là 7,6% trong khi đó hơn nửa thanh niên ở Hy Lap và Tây Ban Nha chìm trong tình trạng thất nghiệp với tỷ lệ lần lượt là 64% và 56% trong tháng 2. Chính con số đáng báo động về thất nghiệp làm nổi bật lên sự bất xứng ngày càng sâu sắc hai miền Nam-Bắc Âu.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đáng báo động tại châu Âu.

Tín hiệu khởi sắc, dù rất nhỏ

Vài tín hiệu khởi sắc cũng bắt đầu xuất hiện. Thâm hụt tài khoản vãng lai đã giảm sau sự tăng vọt trong thập kỷ đầu tiên của lịch sử đồng euro. Tây Ban Nha lần đầu tiên có thặng dư thương mại sau hơn 40 năm. Thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm từ 12,6% GDP năm 2008 xuống 1,5% GDP năm 2012 và của Hy Lạp cũng đã giảm từ 15% xuống còn 3%.

Bên cạnh đó kinh tế eurozone vẫn còn đó rất nhiều những mảng tối. Trước tiên, cân đối ngân sách chính (không bao gồm tiền lãi vay của chính phủ), một thước đo quan trọng trong việc xác định tính bền vững của nền tài chính công đang dần hồi phục. Hy Lạp dự kiến sẽ đạt đến số không, tức là mức cân bằng vào năm 2013 – một sự chuyển mình bất ngờ khi thâm hụt ngân sách năm 2009 lên đến 10,5% GDP. Thực ra nước có thâm hụt ngân sách chính cao nhất trong số 27 nước EU trong năm nay sẽ là Anh với khoảng 3,9% GDP.

Mặc dù có những cải thiện nhưng nhìn chung nợ công vẫn ở mức cao đáng lo ngại đặc biệt tại các nước khủng hoảng. Nợ công của Hy Lạp sẽ đạt 175% GDP vào cuối năm nay, một gánh nặng khó có thể chấp nhận được. Tương tự, gánh nặng nợ nần của Italy tiếp tục tăng, với con số nợ công 131% GDP năm 2013 và nợ công của Ireland và Bồ Đào Nha được dự báo sẽ đạt 123% GDP.

Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới

Không phải khủng hoảng tài chính hay nợ công, mà là châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mới. Đó là khủng hoảng của suy thoái và thất nghiệp khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm, thậm chí về âm kéo theo lượng việc làm được tạo ra it ỏi và tình trạng thất nghiệp đáng báo động của thanh niên tại những nước khủng hoảng như Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Động thái hạ lãi suất cơ bản từ 0,75% xuống còn 0,5% của ECB hồi đầu tháng 5 được đưa ra tương đối muộn. Nhưng dẫu sao, muộn còn hơn không. Khi cơ chế truyền dẫn của chính sách nới lỏng tiền tệ mới còn hạn chế, ECB cần tiếp tục hành động quyết liệt và cụ thể hơn là chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Hơn ai hết những người dân châu Âu đang chờ tin tốt lành từ cuộc họp sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới của ECB.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện