Nguồn ảnh: CNN

 
Phùng Mỹ Thứ Sáu | 19/06/2020 16:38

Châu Âu đang "đau đầu" ứng phó với việc bị Trung Quốc thâu tóm các ngành công nghiệp trọng điểm

Châu Âu lên kế hoạch đối phó với việc Trung Quốc thâu tóm các ngành công nghiệp trọng điểm.

Liên minh châu Âu (EU) đang nghiên cứu dự luật mới nhằm ngăn chặn việc các công ty châu Âu bị các quốc gia nước ngoài như Mỹ và Trung Quốc mua lại. Đồng thời, tránh tình trạng thâu tóm các ngành công nghiệp trọng yếu hoặc giành được các dự án trọng điểm của các quốc gia ngoài châu Âu.

Trong một khuyến nghị được tiết lộ hôm 17.6, Ủy ban châu Âu cho rằng họ cần thêm quyền lực để ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường khổng lồ của châu Âu và để bảo vệ “quyền tự chủ chiến lược” của khối.

Bà Margrethe Vestager, một quan chức của Ủy ban Phụ trách cạnh tranh và chính sách kỹ thuật số trong một tuyên bố cho biết: “Chúng ta cần các công cụ phù hợp để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp nước ngoài không làm méo mó thị trường của chúng ta, cũng như chúng ta đã áp dụng với các khoản trợ cấp quốc gia”.

Cơ quan thẩm định của EU đang vận động nhằm yêu cầu thẩm quyền giám sát các công ty đang bị nghi ngờ dùng các khoản trợ cấp nước ngoài để đánh gục các đối thủ cạnh tranh trong khối. Cơ quan này cũng sẽ thẩm tra lại các công ty bị mua lại bởi các đối thủ nước ngoài.

Liên minh châu Âu EU đang nghiên cứu dự luật mới nhằm ngăn chặn việc các công ty châu Âu bị các quốc gia nước ngoài như Mỹ và Trung Quốc mua lại. Ảnh: ceep
EU đang nghiên cứu dự luật mới nhằm ngăn chặn việc các công ty châu Âu bị các quốc gia nước ngoài như Mỹ và Trung Quốc mua lại. Ảnh: ceep

Nếu một “con cá mập” nào được phát hiện hưởng lợi bất chính thông qua các khoản trợ cấp, họ sẽ bị bắt buộc nộp phạt bằng tiền hoặc tài sản, theo luật của châu Âu. Trong một số trường hợp, Liên minh châu Âu có thể sẽ can thiệp để ngăn chặn việc mua lại.

Ủy ban Châu Âu cũng đang lên kế hoạch ngăn chặn các dự án công cộng rơi vào tay của các công ty nước ngoài thông qua các khoản trợ cấp cho chính quyền do đặt thầu thấp hơn quy chuẩn thị trường.

"Châu Âu luôn là một trong những thị trường cởi mở và minh bạch nhất trên thế giới, thu hút rất nhiều những khoản đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài. Tuy nhiên, sự minh bạch này đang ngày càng bị thách thức trong việc thực hiện giao thương với đối tác nước ngoài, trong đó những khoản tiền trợ cấp đang bóp méo sân chơi của các doanh nghiệp trong khối", phát biểu của Đại sứ Thương mại của EU - ông Phil Hogan.

Theo nhiều nhà quan sát, luật mới sẽ áp dụng cho tất cả các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty Mỹ nhưng thực chất mục tiêu chính yếu là Trung Quốc.

Các công ty quốc doanh của Trung Quốc đang chịu giám sát chặt chẽ của châu Âu sau hàng loạt nỗ lực của Bắc Kinh nhằm len lỏi và gầy dựng ảnh hưởng sâu trong khối thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, nổi bật là đại dự án "Vành đai và Con đường".

Đại dịch COVID-19 lại càng làm dấy lên sự quan ngại cho hệ thống y tế của châu Âu, thúc đẩy các biện pháp bảo vệ cho chuỗi cung ứng vật tư, trang thiết bị y khoa và dược phẩm khỏi sự nuốt chửng của các công ty nước ngoài. Nhằm mục đích đảm bảo cho chuỗi cung ứng trong tương lai - nếu xảy ra đại dịch khác.

Quỹ đạo trượt dốc của thị trường chứng khoán châu Âu cũng đang đẩy các công ty trong nhiều lĩnh vực rơi vào tình cảnh phá sản. Điều này càng làm cho các công ty trở thành món mồi béo bở hơn.

Khuyến nghị của Ủy ban châu Ân sẽ được trưng cầu dân ý vào ngày 23.9 tới đây, với kỳ vọng mở đường cho dự luật mới vào năm 2021.

Có thể bạn quan tâm:

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ

Nguồn CNN