Ảnh: Getty Images.
Châu Âu đã giải bài toán năng lượng sau khi Nga siết nguồn cung như thế nào?
Wilhelmshaven từ lâu đã là một cảng chiến lược của Đức, ban đầu là thành trì của cướp biển thế kỷ 14 và sau đó là căn cứ thương mại và hải quân lớn. Tuy nhiên, vào năm 2022, thị trấn ven biển Biển Bắc đã đảm nhận một vai trò mới, trở thành nơi đặt trạm khí đốt nổi đầu tiên của Đức, mang tên Hoegh Esperanza, là huyết mạch quan trọng để cung cấp khí đốt nhằm duy trì dòng điện xuyên suốt quốc gia và khắp châu Âu.
Con tàu được xây dựng chỉ trong 10 tháng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống cho EU sau cuộc chiến với Ukraine, dẫn đến rủi ro thiếu hụt và mất điện. Một lô hàng đầy đủ có khả năng cung cấp đủ khí đốt cho 90.000 hộ gia đình trong một năm.
Theo Uniper, công ty năng lượng của Đức vận hành Hoegh Esperanza, vào năm 2023, con tàu này đã cung cấp khoảng 6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của Đức và công suất của nó sẽ được sử dụng hết trong năm nay.
Châu Âu đã giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ảnh: FT. |
Ông Michael Lewis, Giám đốc Điều hành của Uniper cho biết: “Với việc mở rộng khả năng nhập khẩu, trong thời gian ngắn, một lượng khí đốt đáng kể có thể được chuyển từ châu Á sang châu Âu, đây là một phần quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng khí đốt”.
Kể từ khi Nga bắt đầu cắt nguồn cung qua đường ống sang châu Âu vào năm 2021, ít nhất 17 kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng.
LNG mà các đơn vị tái hóa khí lưu trữ nổi (FSRU) nhận được đã giúp thay thế gần như 90% nguồn cung cấp khí đốt trước đây đến EU từ Nga qua đường ống, giúp giảm giá khí đốt từ mức cao kỷ lục trên 300 euro/megawatt giờ vào tháng 8/2022 xuống gần mức trước khủng hoảng 30 euro/megawatt giờ ở hiện tại.
Cuộc khủng hoảng năng lượng mà người châu Âu lo sợ hai mùa đông trước đã không xảy ra nhờ sự kết hợp của các biện pháp can thiệp chính sách năng lượng chưa từng có, cắt giảm nhu cầu và một chút may mắn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là châu Âu đang ở vùng an toàn. Phản ứng ngắn hạn trước cuộc khủng hoảng có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn cho khối trong tương lai, bao gồm sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường LNG đầy biến động trong lịch sử với những tác động đến khả năng cạnh tranh công nghiệp và quá trình chuyển đổi xanh.
Ví dụ, Esperanza được ký hợp đồng vận hành tại Wilhelmshaven trong 10 năm, rất lâu sau khi các nhóm môi trường hy vọng nhu cầu về khí đốt sẽ giảm để nhường chỗ cho các giải pháp thay thế sạch hơn.
Ông Alexandru Mustata, một nhà vận động tại Beyond Fossil Fuels, cho biết sẽ khó đáp ứng các cam kết được quy định trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 khi có một số lượng lớn các nhà máy điện khí đốt chưa ngừng hoạt động”.
Tháng 8/2022, sau khi Nga cắt giảm sâu nguồn cung khí đốt qua đường ống, đẩy giá tiêu chuẩn lên cao nhất mọi thời đại, các bộ trưởng năng lượng EU đã họp thêm 7 lần nữa vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi số cuộc họp được lên lịch thường xuyên. Ông Kadri Simson, Ủy viên năng lượng EU, nhớ lại: “Khi gặp nhau hai tuần một lần, không ai thắc mắc tại sao.”
Ông Simson cho biết, mỗi hội nghị thượng đỉnh đều trở nên nóng hơn lần trước khi họ đồng ý những điều luật khẩn cấp cuối cùng, từ nỗ lực giảm nhu cầu tự nguyện đến các mục tiêu lưu trữ khí đốt và cuối cùng là mức trần giá khí đốt gây nhiều tranh cãi đã được ký kết vào tháng 12/2022.
Thế nhưng sau cơn bão lại bình yên đến lạ lùng. Giá khí đốt tự nhiên đã giảm trở lại mức trước khủng hoảng, khối này hiện đang ở vị thế tốt hơn nhiều.
Gió và mặt trời hiện chiếm 1/4 tổng điện năng của EU. Ảnh: FT. |
Ông Amund Vik, cựu Bộ trưởng Năng lượng Na Uy, hiện là cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết khi đạt được trạng thái tương đối ổn định nhanh chóng như vậy, châu Âu đã được hưởng lợi từ một số “sự may mắn hoàn toàn ngoạn mục”.
Đầu tiên là thời tiết. Khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc vào năm 2022, các nhà phân tích và thương nhân lo ngại rằng một mùa đông lạnh giá sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt của khối và khiến giá khí đốt tăng vọt. Tuy nhiên, EU đã trải qua nhiệt độ mùa đông ấm hơn 5% so với mức trung bình lịch sử trong 10 năm vào năm 2022-23 và ấm hơn 9% vào năm 2023-24, theo Maxar, một công ty dữ liệu của Mỹ.
Nhiệt độ ấm áp có nghĩa là trữ lượng khí đốt có thể tăng lên. Mức dự trữ khí đốt trên khắp EU đã đầy trên 60% trong tháng 4 và các nhà phân tích kỳ vọng rằng năm nay, kho lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của khối sẽ đạt 90% trước mùa đông.
Thứ hai, hoạt động kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, một phần do các lệnh đóng cửa liên quan đến đại dịch, có nghĩa là mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ vào năm 2022. Nhập khẩu LNG vào nước này đã giảm 20% kể từ năm 2021.
Đồng thời để đáp ứng sự thiếu hụt dự kiến về nguồn cung năng lượng, EU cũng đã đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo. Theo Ember, một tổ chức tư vấn, năng lượng gió và mặt trời đã sản xuất ra 27% điện năng của EU vào năm 2023. Điều đó đã cho phép EU tiết kiệm khoảng 15bcm-17bcm khí đốt. Dữ liệu phát thải trên toàn EU được công bố trong tháng này cho thấy khối này đã giảm lượng phát thải kỷ lục 15,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhưng EU đã không đạt được vị trí tương đối thoải mái này mà không gặp phải những ảnh hưởng đáng kể. Giá cao kỷ lục của cuộc khủng hoảng năng lượng đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu vĩnh viễn trong lĩnh vực công nghiệp, với nhiều cửa hàng và nhà máy sử dụng nhiều năng lượng sẽ ngừng hoạt động.
Theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, ngành hóa chất bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng sản lượng giảm 25% từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2022 và phục hồi rất ít kể từ đầu năm 2023. Các ngành công nghiệp sắt thép, giấy và bột giấy, gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại màu và khoáng sản phi kim loại cũng bị thiệt hại nặng nề về sản xuất.
Có thể bạn quan tâm:
Cuộc đua công nghệ bước vào giai đoạn nảy lửa
Nguồn FT