Cuộc chiến giành nhiên liệu trên biển giữa châu Âu và châu Á diễn ra căng thẳng nhất vào những tháng lạnh, khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Ba | 12/11/2024 15:01

Châu Âu có nguy cơ "rét run" vì khủng hoảng khí đốt mùa đông?

Do chậm trễ trong việc khởi động các cơ sở xuất khẩu mới, tăng trưởng nguồn cung LNG sẽ vẫn hạn chế trong mùa đông này, tác động trực tiếp đến EU.

Châu Âu đã "sống sót" qua hai mùa đông liên tiếp kể từ khi Nga tấn công Ukraine và kiểm soát nguồn cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, khi EU chuẩn bị bước vào những tháng lạnh hơn, các nhà giao dịch và nhà phân tích lo ngại rằng khu vực này sẽ chật vật đi qua mùa đông.

Cơ bản vì thị trường khí đốt châu Âu hiện nay phụ thuộc vào thị trường năng lượng toàn cầu đầy biến động hơn bao giờ hết, đặc biệt kể từ khi khu vực này phải đa dạng nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

LNG là một mặt hàng toàn cầu, thường được vận chuyển đến những người mua trả giá cao nhất. Nguồn cung toàn cầu đang eo hẹp, nghĩa là châu Âu cần phải cạnh tranh với châu Á khi nhu cầu cao, dẫn đến chi phí sẽ cao hơn để các chuyến tàu LNG cập bờ biển châu Âu.

 

Cuộc chiến giành nhiên liệu trên biển giữa châu Âu và châu Á diễn ra căng thẳng nhất vào những tháng lạnh, khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Tuy nhiên, hai mùa đông vừa qua khá ôn hòa, cho phép châu Âu giảm nhu cầu về khí đốt và LNG. Nhiệt độ ôn hòa cũng cho phép khu vực này kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ kỷ lục.

Nhưng thị trường đang "tính đến việc mùa đông năm nay sẽ diễn ra bình thường", ông Sindre Knutsson, đối tác tại Rystad Energy cho biết. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ làm tăng nhu cầu khí đốt so với những mùa đông trước.

Tuy nhiên biến số trong năm này là hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga sắp hết hạn, một trong hai đường truyền khí đốt thuộc hợp đồng này vẫn đang chảy về châu Âu. Hợp đồng tạo điều kiện cho dòng chảy, chiếm khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU, sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024, thời điểm nhu cầu sưởi ấm gần đạt đỉnh điểm, mặc dù các cuộc đàm phán để duy trì dòng khí đốt chảy qua Ukraine vẫn đang diễn ra.

Các nước châu Âu cũng có thể cần xuất khẩu khí đốt để hỗ trợ Ukraine trong mùa đông, vì một số cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này nằm trong vùng chiến sự với Nga.

Do sự chậm trễ trong việc khởi động các cơ sở xuất khẩu mới, tăng trưởng nguồn cung LNG sẽ vẫn hạn chế trong mùa đông này, hạn chế nguồn LNG mà châu Âu có thể sử dụng. Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler ước tính rằng chỉ có 2,5 triệu tấn LNG sẽ được bổ sung vào thị trường trong mùa đông này, khoảng một phần tư lượng bổ sung mới trong mùa đông năm ngoái.

Ngoài ra còn có những lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông; nếu bất kỳ sự leo thang nào dẫn đến việc đóng cửa eo biển Hormuz, điều này sẽ gây nguy hiểm cho 20% nguồn cung LNG toàn cầu.

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo rằng cán cân khí đốt toàn cầu "vẫn mong manh vì sự tăng trưởng hạn chế trong sản xuất LNG đang khiến nguồn cung bị thắt chặt" và "thị trường vẫn nhạy cảm với những biến động bất ngờ về phía cung hoặc cầu".

Trong kịch bản cơ bản khi nhiệt độ bình thường, giới chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ khoảng 45-55%, thấp hơn so với hai mùa đông ôn hoà trước đó khi lượng dự trữ cuối kỳ đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, nếu mùa đông lạnh hơn,  mức dự trữ có thể giảm xuống còn khoảng 35%. Mức dự trữ càng thấp vào cuối mùa đông thì lượng LNG cần nhập khẩu càng nhiều, điều này có khả năng dẫn đến giá khí đốt cao hơn ngay cả trong những tháng mùa hè khi nhu cầu giảm.

Acer, cơ quan giám sát năng lượng của EU, đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây: “Nếu lượng khí đốt rút ra trong mùa đông năm nay vượt xa hai năm qua, người mua EU có thể cần phải tăng sức cạnh tranh trên thị trường LNG để bổ sung nguồn dự trữ vào năm 2025, có khả năng đẩy giá khí đốt bán buôn lên cao”.

Vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng khí đốt năng lượng năm 2022, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, lần đầu tiên có thời điểm tăng lên trên 300 euro cho mỗi megawatt giờ. Khi đó lục địa này đã có thể thu về một lượng lớn LNG, nhưng các quốc gia đang phát triển cũng cần nó lại bị thua trong cuộc đua về giá này.

Có thể bạn quan tâm:

 Trung Quốc "tranh thủ" xuất khẩu trước thềm thuế quan mới từ Mỹ

Nguồn FT