Châu Âu chỉ còn 15 ngày để giải quyết khủng hoảng
ECB sẽ nhóm họp vào ngày 6/9 tới sau khi chủ tịch Mario Draghi hồi cuối tháng 7 tuyên bố sẽ làm mọi cách để bảo vệ eurozone. Ông Draghi cho biết, ECB có thể sẽ khởi động lại chương trình mua trái phiếu chính phủ ngắn hạn thông qua thị trường thứ cấp.
Tiếp đó đến ngày 12/9, tòa án Đức sẽ ra phán quyết cuối cùng về tính hợp pháp của Cơ chế bình ổn châu Âu (quỹ cứu trợ vĩnh viễn của châu Âu). Quỹ trị giá 500 tỷ này không thể hoạt động nếu không được sự ủng hộ của Đức. Kinh tế trưởng của Morgan Stanley, ông Joachim Fels, nhận định, nếu tòa án Đức phản đối ESM, thị trường sẽ coi đây là một dấu hiệu xấu.
Cùng ngày, Hà Lan sẽ bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Theo kết quả khảo sát mới đây, 1/3 cử tri ủng hộ đảng Xã hội nước này phản đối cắt giảm chi tiêu và muốn Hà Lan rời eurozone và Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 14-15/9, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ nhóm họp với quan chức Hy Lạp bàn về các điều kiện cứu trợ. Sau khi nhận 2 gói cứu trợ lên đến 240 tỷ euro, Hy Lạp vẫn có nguy cơ vỡ nợ và phải rời eurozone.
Đầu tháng 9, đại diện ECB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trở lại Athens để đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định cứu trợ.
Trong khi đó, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty quản lý quỹ Hermes, ông Neil Williams, cho rằng, nhà đầu tư có thể đặt quá nhiều kỳ vọng vào ECB và khả năng của các chính phủ trong việc giải quyết khủng hoảng. “Thị trường đang quá kỳ vọng eurozone sẽ giải quyết được khủng hoảng vào tháng 9. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này có thể sẽ tiêu tan vào năm tới”, ông Williams nói.
Nguồn Bloomberg/Khampha