Không chỉ CO2, mà ngọn lửa còn gây tổn hại đến môi trường theo nhiều cách khác. Ảnh: BBC News.
Châu Âu "chắt chiu", nhưng Nga vẫn tiêu hủy hàng triệu USD khí đốt mỗi ngày
Nga vẫn đang đốt tầm 10 triệu USD khí đốt tự nhiên mỗi ngày gần khu vực biên giới với Phần Lan, trong khi châu Âu có khả năng rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, một phần bởi Nga đã hạn chế xuất khẩu sang Đức và các nước khác.
Nga có thể đang phải đối mặt với một số vấn đề
Công ty khí đốt khổng lồ của nhà nước, Gazprom, đang đốt bỏ khoảng 4,34 triệu mét khối khí mỗi ngày tại cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới, theo phân tích mức nhiệt và dữ liệu vệ tinh của Rystad Energy.
Con số này tương đương với 1,6 tỉ mét khối hàng năm, hay khoảng 0,5% nhu cầu khí đốt của khối EU và trị giá khoảng 10 triệu USD/ngày, dựa trên giá khí đốt giao ngay tại châu Âu vào tuần trước.
Rystad cho biết vụ đốt bỏ nhà máy Portovaya của Gazprom là một "thảm họa môi trường", với khoảng 9.000 tấn carbon dioxide được thải ra mỗi ngày. Tương đương lượng khí thải được tạo ra trong cả năm của trung bình hơn 1.100 ngôi nhà ở Mỹ.
Nhà máy nằm gần một trạm nén ở đầu đường ống Nord Stream 1, một trong những huyết mạch chính vận chuyển khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu.
Theo Rystad, lượng khí đốt mà Nga đang tiêu hủy lẽ ra sẽ được xuất khẩu sang châu Âu thông qua đường ống, vốn thường chiếm hơn 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu nhưng hiện đã được điều chỉnh chỉ bằng 20% so với mức bình thường.
Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu trong năm nay, cho đến hiện tại, đã giảm 77% so với cùng kỳ năm 2021, theo Rystad. Năm ngoái, Nga chiếm 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Khối EU đã cố gắng loại bỏ khí đốt của Nga kể từ cuộc chiến Ukraine cách đây 6 tháng. Và EU đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ của mình, cắt giảm nhu cầu và đảm bảo các nguồn năng lượng thay thế để “sống sót” trong mùa đông này.
Vậy tại sao Nga lại biến khí đốt quý giá của mình lên thành mây khói? Có thể đây chỉ là một phần quy trình thông thường hoặc cũng có thể là một thông điệp gửi đến châu Âu.
"Ngọn lửa bùng lên rất dễ nhìn thấy, có lẽ cho thấy rằng khí đốt đã sẵn sàng và chờ chảy sang châu Âu nếu các mối quan hệ chính trị hữu nghị được nối lại", Rystad cho biết.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy ngọn lửa ở Portovaya, Nga, vào ngày 07/08/2022. Ảnh: Liên minh châu Âu. |
Rystad cho biết, cơ sở LNG tại Portovaya sẽ mở cửa vào cuối năm nay, và việc đốt thường xảy ra như một phần của quá trình kiểm tra an toàn thường kỳ đối với các nhà máy mới. Tuy nhiên, "cường độ và thời gian của đợt đốt liên tục này khá dồn dập để giải thích cho việc này", đơn vị này nói thêm.
Ông Zongqiang Luo, nhà phân tích cấp cao về khí đốt và LNG tại Rystad, nói "Đối với cơ sở Portovaya LNG, quy mô đốt bỏ này là rất lớn."
Ông Henning Gloystein, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Tập đoàn Eurasia, nói rằng Nga có thể đang tiêu hủy sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất dầu.
Một lý do khác, Nga có thể đang phải đối mặt với một số vấn đề.
Ông Mark Davis, Giám đốc điều hành của Capterio, một công ty tư vấn cho các công ty năng lượng về cách tiêu hủy khí đốt, nói rằng đây là một hoạt động phổ biến trên khắp nước Nga. Nhưng ông cũng cho rằng đây có lẽ là một vấn đề trong khâu vận hành mà Gazprom đang phải chật vật xử lý, chẳng hạn như hỏng thiết bị.
Nhưng câu hỏi thật sự nằm ở địa điểm của hoạt động đốt bỏ. Gazprom đã vận chuyển khí đốt rất xa, từ mỏ khí Yamal đến nhà máy Portovaya, trong khi vẫn có những cơ sở gần hơn.
“Chi phí nén và vận chuyển khí đốt từ mỏ Yamal đến Biển Baltic mang lại tốn kém không đáng có cho Gazprom” Rystad nhận định.
Việc quản lý cơ sở hạ tầng khí đốt rộng lớn của Nga rất phức tạp, do đó, lựa chọn địa điểm để đốt khí cũng có thể do sự phối hợp không hiệu quả giữa các nhà khai thác.
“Đóng băng” mối quan hệ năng lượng với châu Âu
Nga cũng có thể đang gửi một thông điệp tới châu Âu. "Nga có thể đang đưa ra một quan điểm chính trị, cố gắng nói với châu Âu rằng chúng tôi có loại khí này, chúng tôi đang đốt bỏ nó, và EU chọn cách gây khó khăn cho chúng tôi trong việc đưa nó ra thị trường.” ông Davis nói.
Rystad bắt đầu xem xét vụ đốt khí tại Portovaya sau khi người dân Phần Lan phát hiện ngọn lửa lớn vào tháng Bảy.
Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục lập kỷ lục mới. Ảnh: Getty Images. |
Nga đã “đóng băng” mối quan hệ năng lượng với châu Âu kể từ cuộc chiến với Ukraine vào cuối tháng 2. Trong những tháng gần đây, Gazprom đã cắt giảm các dòng chảy qua Nord Stream 1 do tranh chấp với phương Tây, liên quan đến một tuabin bị mất. Công ty này cũng đã cắt hoàn toàn nguồn cung cho các quốc gia EU khác vì khăng khăng rằng các quốc gia này đang "không thân thiện", khi không chịu trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, mà bằng euro hoặc USD.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường chứng khoán Mỹ "bốc hơi" hơn 1000 điểm sau phát biểu của Fed
Nguồn CNN