Một phụ nữ 78 tuổi người Pháp Mauricette nhận được liều vaccine ngừa COVID-19 BioNTech / Pfizer đầu tiên trong nước. Ảnh: Reuters.

 
Phùng Mỹ Thứ Hai | 28/12/2020 10:51

Châu Âu bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 khi biến thể đột biến mới lây lan

Các quan chức y tế EU cảnh báo các hạn chế có thể được thắt chặt hơn là nới lỏng.

Theo Financial Times, một người phụ nữ dọn dẹp người Pháp 78 tuổi, một người Tây Ban Nha 96 tuổi ở nhà chăm sóc và một y tá người Ý 29 tuổi đã trở thành những người đầu tiên ở EU nhận được vaccine BioNTech / Pfizer chống lại virus Corona. Động thái này diễn ra khi một dòng virus mới, có tính lây nhiễm mạnh hơn, lây lan trong khối.

Trong các hành động phối hợp vào ngày 27.12, các quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã bắt đầu tiêm chủng cho những người lớn tuổi có nguy cơ và nhân viên y tế thuộc tuyến đầu. Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng các hạn chế trong tương lai có thể được thắt chặt hơn là nới lỏng.

Pháp đã khởi động chương trình tiêm chủng vào sáng 27.12 với các bệnh nhân cao tuổi và nhân viên y tế ở gần Paris. Người đầu tiên được tiêm vaccine là bà Mauricette - một phụ nữ dọn dẹp 78 tuổi đã nghỉ hưu. 

Những người khác cũng được tiêm vào ngày 27.12 bao gồm bà Araceli Rosario Hidalgo, 96 tuổi tại một nhà chăm sóc ở Guadalajara. Bà đã trở thành người đầu tiên được tiêm ở Tây Ban Nha. Và chị Claudia Alivernini, một y tá ở Rome, người đầu tiên ở Ý được tiêm vaccine.

Bà Araceli Rosario Hidalgo 96 tuổi trong một nhà chăm sóc ở Guadalajara, trở thành người đầu tiên được tiêm ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.
Bà Araceli Rosario Hidalgo 96 tuổi trong một nhà chăm sóc ở Guadalajara, trở thành người đầu tiên được tiêm ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.

Tại Đức, người phụ nữ 101 tuổi Edith Kwoizalla đã được tiêm vaccine vào ngày 26.12 ở bang Sachsen. Lãnh đạo Bộ Y tế Đức phàn nàn rằng quyết định bắt đầu tiêm sớm một ngày của chính quyền khu vực đã phá hoại việc đồng triển khai phối hợp với EU.

Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu sau khi cơ quan quản lý y tế của EU phê duyệt vaccine BioNTech / Pfizer, vaccine COVID-19 đầu tiên được bật đèn xanh vào ngày 28.12. Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và Mỹ cũng đã cho phép loại vaccine này và bắt đầu triển khai trong tháng này. 

EU đã đặt hàng 300 triệu liều vaccine BioNTech / Pfizer - đủ cho 150 triệu người, vì mỗi người cần 2 liều, cũng như hàng trăm triệu liều vaccine chưa được phê duyệt, bao gồm cả những loại do AstraZeneca, Sanofi- GSK, Johnson & Johnson, CureVac và Moderna.

Chính phủ Pháp không thể loại trừ đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 để làm chậm lại các đợt lây nhiễm và kêu gọi người dân không ăn mừng đêm giao thừa. Các nhà chức trách Đức cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Họ kêu gọi người dân kiềm chế truyền thống đốt pháo sáng để tránh tụ tập đông người trên đường phố và làm ùn tắc các bệnh viện vì thương tích.

Số ca mắc COVID-19 được báo cáo ở các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ảnh: ST.
Số ca mắc COVID-19 được báo cáo ở các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ảnh: ST.

Pháp, Đức và Ý đã phát hiện một trường hợp biến thể mới, có khả năng lây truyền cao của virus Corona lây lan ở các vùng phía nam nước Anh và khiến một số quốc gia hạn chế hoặc cấm đi lại với Vương quốc Anh. Hôm 26.12, Tây Ban Nha đã xác định được 4 ca nhiễm, tất cả đều là những người đến từ Anh.

Biến thể mới cũng đã được phát hiện ở các quốc gia khác, bao gồm cả Israel, nơi thủ tướng Benjamin Netanyahu đã quyết định phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 bắt đầu từ tối 27.12. Cư dân Israel sẽ bị giới hạn trong vòng một km tính từ nhà của họ, nhưng các trường học sẽ vẫn mở cửa.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy vaccine mới có khả năng bảo vệ chống lại biến thể mới. Nhưng các chuyên gia khẳng định khả năng xảy ra là rất cao, vì phần virus mà vaccine tấn công, còn gọi là protein đột biến, có khả năng không thay đổi.

Nhân viên bệnh viện UZ Leuven của Bỉ đóng gói vaccine COVID-19 vào tủ đông nhiệt độ cực thấp. Ảnh: Love Avia.
Nhân viên bệnh viện UZ Leuven của Bỉ đóng gói vaccine COVID-19 vào tủ đông nhiệt độ cực thấp. Ảnh: Love Avia.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng các chiến dịch tiêm chủng và ngừng hoạt động có khả năng gây ra “áp lực tiến hóa” đối với virus về lâu dài, có nghĩa là vẫn cần phải điều chỉnh đối với vaccine có hiệu quả cao. Các cơ quan y tế đã tính toán rằng các chiến dịch tiêm chủng có thể là cần thiết hàng năm để bảo vệ lâu dài chống lại các đợt bùng phát trong tương lai.

Vẫn còn những câu hỏi về việc cuối cùng sẽ có bao nhiêu công dân chấp nhận tiêm chủng. Pháp là một trong những quốc gia hoài nghi nhất trên thế giới về vaccine. Trong một nghiên cứu năm 2018, cứ 3 người thì có 1 người không đồng ý rằng vaccine là an toàn, tỉ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào. 

Tại Đức, theo một cuộc thăm dò của YouGov, khoảng 2/3 số người sẵn sàng tiêm vaccine, trong khi khoảng 19% phản đối việc tiêm vaccine và 16% khác chưa quyết định. Trong số những người cho biết họ sẵn sàng tiêm vaccine, 33% cho biết sẽ tiêm vaccine sau khi chờ xem tác động của những người được tiêm vaccine đầu tiên.

Nhưng, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã ca ngợi vaccine như một thành tựu quốc gia. Ông nói: “Vaccine được phát triển bởi BioNTech, một công ty của Đức. Loại vaccine này được sản xuất tại Đức, có nghĩa là nó mang lại hy vọng cho chúng tôi và cho thế giới”.

Có thể bạn quan tâm:

► Mexico trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên tiêm vaccine COVID-19