Thứ Sáu | 03/08/2012 21:52

Châu Á vẫn ổn định bất chấp sự tháo chạy của các ngân hàng châu Âu

Các ngân hàng châu Á đang tăng cho vay và mua lại tài sản những ngân hàng châu Âu rút lui khỏi khu vực dưới tác động của khủng hoảng.
Điều này có thể làm dịu bớt lo ngại về tác động của việc các ngân hàng châu Âu rút khỏi châu Á, Richard Jerram, kinh tế trưởng của Bank of Singapore cho biết. Ông Jerram cho biết thay vì gây ra tình trạng giảm thanh khoản ở châu Á, việc ngân hàng châu Âu rút khỏi thị trường châu Á lại thúc đẩy ngân hàng khu vực đẩy mạnh hoạt động cho vay doanh nghiệp nội khối. Đây có thể là tín hiệu tích cực.

Mới đây, CIMB Group của Malaysia trả 267 triệu USD mua lại vài chi nhánh ở châu Á của Royal Bank of Scotland.

Theo báo cáo Standard & Poor's (S&P) ngày 31/7, tốc độ tăng trưởng tín dụng ra nước ngoài các ngân hàng ở Singapore, Hongkong và Trung Quốc đang tăng rất nhanh, và vượt qua tăng trưởng tín dụng thị trường nội địa.

Ví dụ, ở Singapore, tăng trưởng tín dụng ra nước ngoài tăng gần 30% trong năm 2011 so với chỉ 10% năm 2010. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong nước khá ổn định, chỉ hơn 10% năm 2011 và 2010, theo báo cáo của S&P.

Các ngân hàng ở Singapore, Hong Kong và một phần Nhật Bản đang hưởng lợi từ sự rút lui của các ngân hàng châu Âu, Ritesh Maheshwari, giám đốc điều hành bộ phận xếp hạng dịch vụ tài chính ở S&P cho biết.

DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á có trụ ở ở Singapore, có lợi nhuận quý I cao kỷ lục và tuyên bố việc mở rộng hoạt động ra khu vực sẽ thúc đẩy lợi nhuận tương lai của ngân hàng này. Lợi nhuận từ Singapore của ngân hàng tăng 15% trong quý I, trong khi lợi nhuận ngoài nước tăng 35%. Đặc biệt cho vay sang Trung Quốc tăng 81%, sang Ấn Độ tăng 42%.

Tới năm 2011, số tiền các ngân hàng châu Âu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương vay là 356 tỷ USD, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng thanh toán quốc tế, so với 379 tỷ USD cuối năm 2010 và mức đỉnh 455 tỷ USD hồi tháng 6/2008.

Lượng cho vay của các ngân hàng châu Âu chiếm hơn 1/3 tổng lượng cho vay ra nước ngoài của châu Á trước khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Nhưng hiện tại tỷ lệ này giảm xuống còn 20% và có vẻ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều nữa, ông Jerram nhận định.

Nguồn CNBC/ Khampha


Sự kiện